Australia chuẩn bị cho tương lai ngành công nghiệp khoáng sản chủ chốt

06:30' - 15/04/2023
BNEWS Các loại khoáng sản chủ chốt của Australia ngày càng quan trọng trong bối cảnh nhu cầu đối với các khoáng sản này trên thế giới ngày càng cao.

Trang mạng của Viện nghiên cứu Chiến lược Australia (ASPI) mới đây đăng bài viết của Bộ trưởng Tài nguyên, kiêm Bộ trưởng khu vực miền Bắc Australia, ông Madeleine King, với tiêu đề “Australia chuẩn bị cho tương lai các ngành công nghiệp khoáng sản chủ chốt”. Nội dung bài viết như sau:

Các loại khoáng sản chủ chốt của Australia ngày càng quan trọng trong bối cảnh nhu cầu đối với các khoáng sản này trên thế giới ngày càng cao, nhằm xây dựng nền tảng công nghệ cần thiết để đạt mục tiêu trung hòa khí thải.

Khoáng sản chủ chốt và các nguyên tố đất hiếm là những thành phần cơ bản trong một nền kinh tế hiện đại. Chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vai trò của Australia trên toàn cầu cũng như trở thành trọng tâm hỗ trợ các mục tiêu địa chính trị giữa các đồng minh và đối tác của Australia trong khu vực.

Tiến trình khử carbon trên toàn cầu đang thúc đẩy mạnh nhu cầu đối với các loại khoáng sản này. Nhu cầu khoáng sản trong các lĩnh vực như công nghệ điện tử, thông tin liên lạc và quân sự đã tăng lên theo cấp số nhân. Với đà tăng trưởng này, Australia sẽ trở thành quốc gia ở một vị thế mà nhiều quốc gia khác phải “ghen tị”.

Australia may mắn khi sở hữu một số mỏ giàu trữ lượng khoáng sản chủ chốt nhất trên thế giới. Australia có trữ lượng lithium và cobalt lớn thứ 2 thế giới và trữ lượng đất hiếm lớn thứ 6 trên thế giới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thế giới đang trên đà tăng gấp đôi nhu cầu tổng thể về các loại khoáng sản chủ chốt nhằm phục vụ công nghệ năng lượng sạch vào năm 2040. Australia đang đứng trước cơ hội để tận dụng nguồn khoáng sản quan trọng của mình nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn cầu.

Khai thác tiềm năng nguồn khoáng sản quan trọng là vấn đề cốt lõi để đưa Australia trở thành siêu cường năng lượng sạch.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có nghĩa là thế giới sẽ cần khai thác nhiều hơn thay vì ít hơn. Để sản xuất pin, chất bán dẫn và xây dựng các trang trại năng lượng gió, thế giới sẽ cần nhiều khoáng sản hơn.

Con đường để đạt được mức “phát thải ròng bằng 0” của Australia cần đi qua lĩnh vực khai khoáng. Đó là lý do tại sao Australia đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng mình đang nắm chặt cơ hội và không thể bỏ lỡ nó.

Australia đang tìm cách gia tăng giá trị những sản phẩm mà nước này khai thác và sản xuất. Australia đang lên kế hoạch mở thêm một số mỏ khai thác mới và mở rộng các mỏ hiện tại, đồng thời tăng thêm chi phí cho các hoạt động thăm dò nhờ sự thúc đẩy của Cơ quan Khảo sát Địa chất Quốc gia (Geosciences Australia).

Sự bùng nổ của khoáng sản chủ chốt sẽ giúp đảm bảo tương lai của Australia bằng việc gia tăng giá trị trong lĩnh vực khai thác - lĩnh vực có quy mô và vị thế hàng đầu trên thế giới. Cụ thể, Australia sẽ mở ra các ngành công nghiệp mới khá thú vị ở trong nước khi chuyển sang quy trình chế biến hạ nguồn (downstream) – tinh chế thành sản phẩm hoàn chỉnh và đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Ví dụ, nhìn vào đất hiếm, Australia hiện chỉ tham gia vào các công đoạn khai thác và làm giàu quặng trong một chuỗi cung ứng dài và phức tạp. Chuỗi cung ứng này khởi đầu bằng việc khai thác và kết thúc bằng việc sản xuất nam châm vĩnh cửu, sản phẩm là thành phần để chế tạo động cơ xe điện và các tua-bin điện gió.

Chính phủ Australia đang hỗ trợ phát triển một số dự án đất hiếm và các dự án này sẽ giúp Australia tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Ví dụ, hai công ty đất hiếm của Australia là Lynas (công ty đất hiếm lớn thứ 2 thế giới) và Arafura đã được chính phủ đầu tư để phát triển cơ sở tách và lọc ở thành phố Kalgoorlie, bang Tây Australia.

Một công ty đất hiếm khác của Australia là Hastings Technology Metals đã được chấp thuận cho vay một khoản trị giá 220 triệu AUD (146,8 triệu USD) từ Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng phía Bắc Australia (NAIF) để phát triển dự án đất hiếm Yangibana, trong đó có công đoạn nghiền và lọc quặng tại cơ sở luyện kim Onslow. Công ty có trụ sở tại Perth nói trên cũng đã nhận được thư hỗ trợ có điều kiện từ Tổ chức Tài chính xuất khẩu Australia (Export Finance Australia - EFA).

Ngoài ra, nhà máy tinh chế đất hiếm Eneabba ở bang Tây Australia của công ty khoáng sản Iluka Resource đã được phê duyệt cấp phép vay 1,25 tỷ AUD thông qua Cơ quan điều phối các khoáng sản quan trọng (Critical Minerals Facility) của Chính phủ Australia. Khi đi vào hoạt động, cơ sở Iluka sẽ là nhà máy tinh lọc oxit đất hiếm được nâng cấp đầy đủ đầu tiên của Australia và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đa dạng hóa các thành phần phục vụ quy trình chế biến hạ nguồn trong chuỗi cung ứng đất hiếm, đồng thời thiết lập một cơ sở xử lý mà từ đó Australia có thể phát triển xa hơn nữa.

Việc ngày càng có nhiều đất hiếm và khoáng sản chủ chốt được chế biến tại các khu vực trên sẽ củng cố tham vọng và chính sách sản xuất trong nước của Chính phủ Australia, trong đó có cả Chiến lược quốc gia về pin đang được đề xuất. Australia muốn gia tăng hơn nữa lợi ích kinh tế và điều quan trọng là Australia muốn đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu trên một cách ổn định, với giá cả hợp lý, để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó giúp củng cố quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Australia đã chứng kiến những điểm yếu nghiêm trọng ở các chuỗi cung ứng tập trung, bất kể điểm tập trung nằm ở đâu. Đa dạng hóa nguồn cung là một lợi ích rõ ràng trong thị trường này. Hơn nữa, thông qua việc thiết lập những nguồn cung khoáng sản chủ chốt mới, Australia có thể giúp cho thị trường này mạnh mẽ, hiệu quả, linh hoạt và minh bạch hơn.

Ngoài ra, Australia có thể nâng cao chuỗi giá trị bằng cách kết nối các dự án của mình với các nước có cùng quan điểm và các đối tác chiến lược như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng như các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đồng thời thiết lập một chuỗi cung ứng “đầu-cuối” chặt chẽ.

Thời gian qua, đã có những phát triển tích cực trong lĩnh vực khoáng sản chủ chốt và Australia mong muốn tận dụng những động lực này. Quỹ Tái thiết Quốc gia (National Reconstruction Fund) của Australia cung cấp các gói tài trợ trị giá 15 tỷ AUD sẽ đa dạng hóa và chuyển đổi các ngành công nghiệp của Australia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. 1 tỷ AUD trong số tiền tài trợ trên được dành riêng cho việc thúc đẩy giá trị tài nguyên của Australia.

Hoạt động cấp vốn trên, cùng với những cơ chế tài chính hiện có của chính phủ như cơ quan điều phối khoáng sản chủ chốt (Critical Minerals Facility), Tập đoàn Tài chính năng lượng sạch (Clean Energy Finance Corporation) và Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng phía Bắc Australia (NAIF) sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án khoáng sản quan trọng.

Để đảm bảo chính sách được thiết lập phù hợp, Chính phủ Australia cũng đang phát triển một chiến lược khoáng sản quan trọng mới. Chiến lược này sẽ tập trung vào những ưu tiên chính như tạo ra cơ hội kinh tế mới, trong đó có cả cơ hội cho những người thổ dân Australia. Chiến lược này cũng xem xét việc nâng cao năng lực và phát triển các ngành công nghiệp mới trong nước, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, cạnh tranh và đa dạng. Chiến lược cũng sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khoáng sản chủ chốt của Australia ở trong nước và trên toàn cầu.

Điều quan trọng là Australia cần tiếp tục xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế có ý nghĩa nhằm khuyến khích đầu tư vào các khoáng sản chủ chốt. Đối thoại Darwin do ASPI tổ chức sắp tới là cơ hội để Australia kịp thời củng cố quan hệ hợp tác giữa các đối tác chiến lược quan trọng của mình trong lĩnh vực đất hiếm và khoáng sản chủ chốt. Đối thoại sẽ thảo luận về những thách thức mà ngành khoáng sản chủ chốt phải đối mặt cũng như những cơ hội phía trước, cả ở Australia và trong khu vực.

Xét cho cùng, việc phát triển các ngành công nghiệp khoáng sản chủ chốt của Australia sẽ mang lại lợi ích kinh tế, chiến lược, công nghệ và khí hậu - và sẽ là “công cụ” của Australia trong tương lai với tư cách là một siêu cường năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục