Australia: Hệ lụy từ giá thuê nhà cao kỷ lục

06:30' - 10/04/2023
BNEWS Australia đang trải qua thời kỳ tăng giá nhà thuê liên tục dài nhất được ghi nhận, khi giá thuê nhà tăng trong quý thứ 8 liên tiếp, còn giá thuê căn hộ tăng trong quý thứ 7 liên tiếp.
Theo trang mạng abc.net.au, trong báo cáo giá thuê nhà hàng quý, trang web bất động sản Domain cho biết, Australia đang trải qua thời kỳ tăng giá nhà thuê liên tục dài nhất được ghi nhận, khi giá thuê nhà tăng trong quý thứ 8 liên tiếp, còn giá thuê căn hộ tăng trong quý thứ 7 liên tiếp.

Theo báo cáo của Domain, giá thuê nhà và căn hộ đang ở mức cao kỷ lục tại tất cả các thành phố của Australia ngoại trừ Canberra và Darwin. Nicola Powell - Giám đốc nghiên cứu và kinh tế của Domain - cho biết: "Lần đầu tiên kể từ năm 2009, tất cả các thành phố đều có giá thuê nhà kỷ lục”, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng thuê nhà mà đất nước đang trải qua. 

Dữ liệu của Domain cho thấy giá thuê nhà tăng 135 AUD (khoảng 90,4 USD) mỗi tuần trong quý I/2023, trong khi giá thuê căn hộ tăng 140 AUD trên khắp các thành phố kể từ mức thấp nhất của đại dịch COVID-19. Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào cho thấy người đi thuê sẽ được giảm bớt áp lực.

Báo cáo của Domain lưu ý rằng giá thuê căn hộ đang phi mã, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne. Giá thuê căn hộ ở Sydney lần đầu tiên vượt mức 600 AUD mỗi tuần. Đầu tuần này, công ty tư vấn bất động sản CoreLogic báo cáo giá thuê nhà trung bình hàng tuần ở thành phố Sydney đã lên tới 699 AUD.

Báo cáo của Domain cho rằng sự trở lại của du khách quốc tế vào năm 2021 và 2022 là yếu tố khiến nhu cầu thuê nhà tăng mạnh mẽ và đẩy giá cho thuê tăng đáng kể.

Báo cáo mới nhất của Tổng công ty Đầu tư và Tài chính Nhà ở Quốc gia cũng lưu ý rằng áp lực gia tăng đang “đè nặng” lên giá cho thuê, đặc biệt là trong khi nguồn cung bất động sản không có sự gia tăng tương ứng. 

Báo cáo cảnh báo về tình trạng thiếu hụt 106.000 ngôi nhà mới vào năm 2027 và 79.000 ngôi nhà trong thập kỷ tới. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu nhà kinh niên này có nghĩa là giá nhà hiện tại sẽ giữ nguyên hoặc tăng lên, chứ không giảm.

Louis Christopher, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu SQM Research, bình luận: “Việc mở cửa biên giới khiến lượng người di cư tăng mạnh. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng khá lớn về nhu cầu cơ bản đối với bất động sản, và điều đó đang diễn ra trên thị trường cho thuê. Chắc chắn 100% là chúng ta đang lâm vào cuộc khủng hoảng thuê nhà”.

Tại thành phố Sydney, giá thuê ở một số vùng ngoại ô đã tăng hơn 30% từ đầu năm 2020 đến tháng 1/2023 và cao hơn gấp 3 lần so với một số khu vực nội thành. 

Nếu không có sự can thiệp chính sách đáng kể, cuộc khủng hoảng nhà ở của Australia sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) Philip Lowe cho rằng các chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang có trách nhiệm hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở của Australia ngày càng trở nên tồi tệ. 

Ông Lowe nói: “Điều này liên quan đến việc phân vùng và lập kế hoạch cũng như chi phí phát triển các phân khu mới. Đó là một vấn đề thực sự quan trọng đối với một quốc gia có mức tăng trưởng dân số rất lớn. Chúng ta cần có khả năng cung cấp cho thị trường nhà đất phản ứng nhanh chóng khi tốc độ tăng trưởng dân số thay đổi. Nếu không thể làm điều đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với những biến động lớn về giá thuê và giá nhà ở”.

Có những lo ngại về tình trạng vô gia cư sẽ gia tăng nếu cuộc khủng hoảng nhà ở của Australia không được giải quyết sớm. Ông Louis Christopher nói: “Cuộc khủng hoảng nhà ở sẽ ảnh hưởng khá xấu đến người nghèo. Chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng vô gia cư tăng, và đó là điều đáng lo ngại vì sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội nghiêm trọng”. 

Cuộc khảo sát của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Australia (ACOSS) cho thấy 93% người thuê – những người phải dựa vào hỗ trợ thu nhập từ chính phủ - đang bị áp lực về tiền thuê nhà do chi phí sinh hoạt tăng cao.

Giám đốc điều hành của ACOSS Cassandra Goldie cho hay ngày càng có nhiều người bị buộc phải trở thành người vô gia cư và sống trong ô tô hoặc lều bạt vì tiền thuê nhà quá đắt, trong khi không có đủ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, họ còn bị buộc phải đưa ra những lựa chọn giữa thực phẩm và thuốc men tại một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục