Australia điều tra chống bán phá giá ống dẫn thép xuất xứ Việt Nam

18:08' - 02/04/2020
BNEWS Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm ống và ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ các nước và vùng lãnh thổ bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).  

Theo đó, bên yêu cầu điều tra là Công ty Orrcon Manufacturing Pty Ltd (Orrcon). Hàng hóa bị điều tra là ống thép cacbon hàn cách điện, hợp kim hoặc không hợp kim, bao gồm phần rỗng hình tròn, hình chữ nhật và hình vuông được mạ hoặc không mạ kim loại bên ngoài.

Thép nền là thép cuộn cán nóng hoặc cán nguội được mạ hoặc không mạ. Nếu được mạ thì lớp mạ kim loại bên ngoài là nhôm hoặc hợp kim nhôm kẽm.

Các sản phẩm bị điều tra được phân loại theo mã HS là 7306.30.00 gồm: các ống hàn, có tiết diện tròn, làm bằng sắt hoặc thép không hợp kim, có đường kính ngoài không vượt quá 21 mm; 7306.50.00 gồm: các ống hàn, có tiết diện tròn, làm bằng thép hợp kim khác; 7306.61.00 gồm: các ống có tiết diện hình vuông hoặc hình chữ nhật, làm bằng sắt hoặc thép không hợp kim, có chu vi không vượt quá 279,4 mm và độ dày thành ống không vượt quá 2 mm.

Thời kỳ điều tra bán phá giá và trợ cấp từ ngày 1/1 - 31/12/2019; thời kỳ điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2016 tới nay.

Các doanh nghiệp Việt Nam liên quan vụ việc gồm: Công ty TNHH Công nghệ thép Chính Đại, Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại, Công ty cổ phần sản xuất thép Vina One, Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Tây Nam, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ M&H Việt Nam, Công ty TNHH ống thép Hòa Phát, Wing Chun Co Pty LTd.

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết thêm, các doanh nghiệp xuất khẩu khác có thể liên quan tới vụ việc gồm: Công ty cổ phần Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam Công ty cổ phần Tập đoàn thép Nguyễn Minh, Công ty cổ phần thương mại kỹ nghệ cao, Công ty cổ phần Quốc tế Vạn Thắng, Công ty cổ phần thép Nam Kim, Công ty cổ phần nội thất 190, Công ty TNHH Một thành viên ống thép Hòa Phát Bình Dương, Nhà máy chi nhánh Công ty cổ phần Minh Hữu Liên - Long An, Công ty cổ phần 190, Công ty cổ phần Mạ kẽm Công nghiệp VINGAL-STEEL, Công ty TNHH đầu tư và giải pháp GLOBAL, Công ty TNHH Liên doanh ống thép Sendo.

Theo thông báo từ ADC, thời gian Ủy ban này chính thức khởi xướng điều tra là ngày 31/3/2020, đề nghị các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc nộp bản trả lời câu hỏi đến ngày 7/5/2020.

Cùng với đó, ngày sớm nhất để đưa ra quyết định sơ bộ (PAD) là ngày 1/6/2020; ngày chậm nhất ban hành dữ kiện trọng yếu (SEF) là ngày 20/7/2020.

Ngoài ra, các đệ trình liên quan tới dữ kiện trọng yếu (SEF) trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF; ngày chậm nhất đưa ra quyết định cuối cùng từ cơ quan điều tra là ngày 2/9/2020; ngày Bộ trưởng chính thức ra quyết định (dự kiến), trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cuối cùng từ cơ quan điều tra.

Với tư cách là cơ quan đầu mối trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan hợp tác đầy đủ, toàn diện với ADC trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi.

Trong điều kiện cho phép, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tìm kiếm luật sư, nhà tư vấn có chuyên môn trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đối với thị trường Australia để đảm bảo hiệu quả hợp tác cao nhất.

Hơn nữa, có thể liên lạc với ADC để đăng ký tham gia, nhận và nghiên cứu kỹ hướng dẫn và trả lời Bản câu hỏi điều tra.

Đồng thời, doanh nghiệp cần phối hợp với các đối tác xuất khẩu tại Australia tìm hiểu liệu ngành sản xuất trong nước (trường hợp này là Công ty Orrcon) có thực sự bị thiệt hại hay không thông qua nghiên cứu thị trường , các báo cáo tài chính niêm yết hoặc các nguồn thông tin đáng tin cậy khác; thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại và Hiệp hội để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc ADC sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do bên yêu cầu đề xuất.

Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Australia và các đối thủ cạnh tranh từ các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục