Australia đổi tên một hòn đảo được UNESCO công nhận là di sản thế giới

20:13' - 07/06/2023
BNEWS Đảo Fraser của Australia, được đặt theo tên của James Fraser - một thuyền trưởng người Anh có con tàu bị đắm tại đây vào năm 1836, được chính thức đổi tên thành Đảo K'gari.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 7/6, Australia đã chính thức đổi tên hòn đảo rộng lớn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này. 

K'gari có nghĩa là “thiên đường”, một từ trong ngôn ngữ của người thổ dân Butchulla có liên quan đến câu chuyện ra đời của hòn đảo. Bà Annastacia Palaszczuk, Thủ hiến bang Queensland, đã bày tỏ niềm vui mừng và tự hào vì “hôm nay chúng ta có thể chính thức chào đón K'gari về nhà và khôi phục cái tên mà những người chủ truyền thống của hòn đảo này đã sử dụng từ xa xưa."

 

Đảo Fraser – hiện được đổi tên thành Đảo K’gari – là một đảo cát nép mình trong làn nước xanh ngọc lam, là một điểm đến nổi tiếng của khách du lịch, với hơn nửa triệu lượt người đến thăm mỗi năm. Hòn đảo này cũng được các nhà khoa học đánh giá cao vì có một số lượng lớn chó dingo (chó hoang bản địa), rừng nhiệt đới phong phú, hồ nước ngọt và hệ thống cồn cát phức tạp. Trong niềm tin của thổ dân, K'gari là một linh hồn da trắng được các vị thần gửi đến để hình thành đất và biển.

Một "lễ hút thuốc" truyền thống đã được tổ chức để đánh dấu việc  thay đổi tên gọi này. Thủ hiến Palaszczuk mô tả đây là một bước hướng tới hòa giải và thoát khỏi quá khứ thuộc địa đầy rắc rối của Australia. Theo bà, đây cũng là bước đi đầu tiên trong một chặng đường dài để xây dựng một tương lai mới, nơi tất cả người dân bang Queensland được coi trọng, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.

Việc người dân Australia gọi các địa điểm bằng tên thổ dân ngày càng trở nên phổ biến. Đá Ayers – một địa danh nổi tiếng ở miền Trung Australia - hiện được biết đến nhiều hơn với tên gọi Uluru, trong khi thành phố Melbourne ngày càng được nhiều người gọi bằng tên Naarm.

Australia sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay để quyết định có công nhận người bản địa trong Hiến pháp và có thành lập một tổ chức Thổ dân và Dân đảo Torres St Eo – cơ quan sẽ được hỏi ý kiến về luật pháp – hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục