Ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều ghi dấu tuần đi xuống thứ hai liên tiếp

13:24' - 19/02/2022
BNEWS Tính chung cả tuần qua, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm hơn 1%, ghi dấu tuần đi xuống thứ hai liên tiếp.

Thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết đi xuống trong các phiên giao dịch của tuần này, bị chi phối chủ yếu bởi tình hình căng thẳng Nga-Ukraine và “nhất cử nhất động” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan tới kế hoạch nâng lãi suất.

 

Ngay từ phiên khởi động tuần này (ngày 14/2), Phố Wall đã chìm trong “sắc đỏ” khi giới đầu tư dồn sự chú ý vào khả năng Fed sẽ lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát để ứng phó lạm phát tăng cao ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch của chi nhánh Fed tại St. Louis, ông James Bullard, cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát leo thang.

Tới phiên 15/2, thị trường phục hồi khi lo ngại về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã dịu xuống. Đây cũng là “điểm sáng” duy nhất của Phố Wall trong cả tuần giao dịch này, khiến thị trường “phớt lờ” báo cáo mới nhất từ Chính phủ cho thấy chỉ số giá sản xuất của Mỹ đã tăng 1% vào tháng 1/2022 (số liệu đã được điều chỉnh theo mùa), cao gấp đôi mức dự báo của các nhà phân tích.

Chiến lược gia trưởng JJ Kinahan của công ty môi giới đầu tư trực tuyến TD Ameritrade (Mỹ) cho biết nhiều nhà kinh tế đang hy vọng đây là mức “đỉnh” của lạm phát và nền kinh tế sẽ sớm bắt đầu quay trở lại bình thường.

Với việc Nga đã tuyên bố sẽ rút bớt một số binh sĩ được triển khai ở biên giới với Ukraine, nhiều người đã hy vọng bất ổn địa chính trị sẽ “hạ nhiệt”.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã hoan nghênh thông báo trên, nhưng kêu gọi phía Nga có những thông tin xác minh cụ thể hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng khả năng xảy ra một hành động quân sự của Nga vẫn còn “khá lớn", nhưng một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn có thể đạt được.

Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu Mỹ lại quay đầu “trượt dốc” trong ba phiên giao dịch còn lại của tuần này, khi một số quan chức cảnh báo về hành động quân sự đối với Ukraine.

Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới tài chính OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định rủi ro xung đột quân sự đang gia tăng và đè nặng lên các thị trường vốn chịu ảnh hưởng từ triển vọng tăng lãi suất của Fed.

Theo ông Moya, Phố Wall đang kẹt giữa hai nhân tố bất lợi là rủi ro địa chính trị và khả năng Fed thắt chặt chính sách lãi suất.

Theo biên bản cuộc họp ngày 25-26/1, các quan chức Fed nhất trí rằng với lạm phát cao và thị trường việc làm mạnh, đã đến lúc thắt chặt chính sách tiền tệ. Biên bản cuộc họp cho thấy Fed đã sẵn sàng chống lạm phát khi giá cả tăng mạnh nhất kể từ những năm 1980.

Hầu hết những người tham dự cuộc họp nhấn mạnh, nếu lạm phát không giảm như dự kiến, chính sách tiền tệ cần được thắt chặt với tốc độ nhanh hơn so với kế hoạch hiện nay.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 18/2), chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 233,51 điểm (tương đương 0,68%) xuống 34.079,52 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 31,59 điểm (0,72%) xuống 4.347,50 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 167,87 điểm 1,22%, đóng cửa ở mức 13.548,85 điểm.

Tính chung cả tuần qua, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm hơn 1%, ghi dấu tuần đi xuống thứ hai liên tiếp.

Căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine tiếp tục chi phối diễn biến thị trường. Tờ Nhật báo Phố Wall ngày 18/2 đưa tin, các quan chức Mỹ dự kiến Nga sẽ tấn công trong vài ngày tới. Do vậy, nhiều người dự đoán Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ điều thêm quân đội Mỹ đến gần Ukraine.

Tối cùng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ và một số đối tác khác trong liên minh xuyên Đại Tây Dương và châu Âu để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebstreit, tại cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng "nguy cơ xảy ra một hành động quân sự của Nga liên quan tới Ukraine là rất xác thực".

Phiên giao dịch ngày 18/2 đặc biệt biến động với hàng nghìn tỷ USD các hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai của cổ phiếu, chỉ số và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sắp hết hạn.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của công ty Intel Corp đã sụt giảm mạnh trong phiên này,  sau khi nhà sản xuất chip dự báo tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm trong năm nay và sau đó sẽ ổn định trong vài năm do họ đầu tư vào các công nghệ và nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu chip đang tăng lên.

Tuy nhiên, khoảng 78% trong số 417 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố thu nhập hàng quý cao hơn ước tính của các nhà phân tích trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang diễn ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục