Bà Rịa-Vũng Tàu chậm di dời hộ dân ra khỏi Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu

16:44' - 05/08/2022
BNEWS Việc di dời các hộ dân lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chủ trương từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành di dời các hộ dân.

Sau hơn 8 năm, chính quyền địa phương vẫn chưa thể tiến hành di dời các hộ dân ra khỏi rừng. Điều này gây thất thoát tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng tại khu vực này.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu là khu rừng tự nhiên hiếm có còn lại của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tính đa dạng sinh học cao. Về môi trường, đây là khu rừng nằm sát biển với lợi ích lớn trong việc chắn gió bão, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển huyện Xuyên Mộc.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, người dân đã phá rừng lấy gỗ, tự ý lấn chiếm đất rừng tại khu bảo tồn để canh tác trồng trái phép các loại cây nông nghiệp. Điều đáng nói là tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ đã diễn ra từ rất lâu, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của huyện, tỉnh vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp mà đơn vị này hiện đang quản lý bảo vệ là hơn 10.880 ha, nằm trên phạm vi hành chính của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Xuyên Mộc. Tổng trữ lượng rừng bảo tồn có trên 590.530 m3; trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 581.300 m3.

Đến nay, có khoảng 800 hộ dân lấn chiếm đất rừng Bình Châu – Phước Bửu. Các hộ dân này đã sử dụng đất lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, cây ăn trái… từ trước năm 1978 đến năm 2014 là 1.747 ha chiếm trên 15% diện tích của khu bảo tồn. Trong số này, thời điểm trước tháng 5/1978 có khoảng 70 hộ/110 ha nằm rải rác trong khu rừng; còn lại đa số người dân lấn chiếm đất rừng sau năm 1978 (thời điểm có chủ thể quản lý rừng Bình Châu – Phước Bửu) với khoảng 1.637 ha, chiếm 94% diện tích.

Theo thống kê, có đến 81% là các hộ dân lấn chiếm đất rừng cư ngụ tại xã Bình Châu. Hầu hết hộ dân xâm lấn đất rừng này có rất ít công trình, vật kiến trúc trên đất lấn chiếm, chỉ có khoảng 20 căn nhà cấp 4. Số còn lại là chòi tạm trong rẫy chứa vật dụng và nông sản khi thu hoạch.

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, lấy ý kiến cũng như ra thông báo tới các hộ dân đang lấn chiếm về việc di dời ra khỏi đất rừng Bình Châu – Phước Bửu nhưng tỷ lệ các hộ dân đồng thuận rất thấp. Những hộ đồng thuận di dời đều mong muốn được Nhà nước hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội… mới đồng ý di dời.

Gia đình ông Nguyễn Văn Yến, sinh năm 1953, ngụ tổ 8, ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc có 1ha đất nằm trong địa phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Ông Yến cho biết, vợ chồng ông từ thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc vào đây sinh sống và trồng điều làm rẫy, nuôi gà từ năm 1985. Ông chia sẻ: "Tôi sẵn sàng di dời ra khỏi khu vực rừng nếu Nhà nước yêu cầu, nhưng mong các cấp chính quyền địa phương đảm bảo kế sinh nhai, tái định cư cho gia đình. Vợ chồng tôi tuổi cũng đã cao không còn sức lao động để có thể làm lại từ đầu".

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ dân cho rằng đây là đất do họ mua lại, tự khai phá thêm, vườn cây trồng đã cho thu hoạch ổn định nhiều năm, đây lại là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình họ nên không thể di dời.

Bà Nguyễn Thị Nhớ, ngụ cùng tổ 8, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc hiện đang trồng 12,2 ha nhãn và xoài trên đất rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu cho biết, khoảng năm 1993 gia đình bà mua giấy viết tay một phần diện tích đất này của một người dân. Từ đó đến nay gia đình bà đã khai phá thêm để trồng xoài và nhãn, mỗi năm vườn trái cây cho thu khoảng 1 tỷ đồng. Bà cũng bày tỏ không muốn di dời vì diện tích đất này là kế sinh nhai, nguồn thu nhập chính của gia đình bà.

Việc lấn chiếm đất rừng canh tác trái phép cho thấy một bộ phận người dân chưa ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng, mà chỉ thấy lợi trước mắt khi khai phá rừng để trồng cây nông nghiệp, làm lợi cho kinh tế gia đình họ.

Nhằm khắc phục thực trạng lấn chiếm đất rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đã xây dựng Đề án "Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu giai đoạn 2018-2022".

Tại đề án này, Hội đồng nhân dân tỉnh đã chấp thuận bổ sung danh mục 2 dự án thuộc đề án này, đó là: Di dời, tái định cư các hộ đang cư trú trong đất rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và xây dựng hàng rào bảo vệ rừng với tổng vốn đầu tư khoảng 705 tỷ đồng. Trong đó, dự án thứ nhất bao gồm các nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân sử dụng đất ổn định; ổn định đời sống cho các hộ dân sử dụng đất lấn chiếm rừng và xây dựng hạ tầng tái định cư.

Giải pháp mà đề án đưa ra để thực hiện di dời hết số hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ là sẽ tiến hành hỗ trợ, đền bù tùy theo đối tượng, tùy theo thời gian canh tác của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ có chính sách đào tạo nghề, chính sách về khuyến nông, hỗ trợ đất canh tác, cây trồng, nhà ở phù hợp với thực tế của từng đối tượng. Cách làm này nhằm đảm bảo đời sống của người dân đang lấn chiếm đất rừng, để họ có cuộc sống ổn định không còn quay lại lấn chiếm đất rừng để canh tác.

Tuy nhiên, đến nay việc di dời người dân ra khỏi rừng phòng hộ tại khu vực rừng Bình Châu – Phước Bửu vẫn chưa thực hiện được do vướng một số khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030. Ban Quản lý rừng vẫn đang tiến hành tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ, di dời các hộ dân đang cư trú, canh tác trong khu bảo tồn để làm cơ sở thực hiện di dời….

Từ tháng 10/2020, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã triển khai xây dựng hàng rào bảo vệ rừng và đã xây dựng được 12km trên tổng số hơn 41km và 2,5km/22,4km đường tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên, dự án phải tạm dừng thi công do các hộ dân đang canh tác trên tuyến hàng rào bảo vệ rừng và đường tuần tra ngăn cản không cho thi công.

Đến nay, UBND huyện Xuyên Mộc cũng đã thực hiện xây dựng khu tái định cư với diện tích khoảng 15ha tại Quốc lộ 55, xã Bình Châu để chuẩn bị di dời.

Ông Trần Văn Trại, Phó Phòng Khoa học, Du lịch sinh thái và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu) cho biết, thời gian qua việc tuyên truyền đã được chính quyền địa phương và Ban Quản lý khu bảo tồn thực hiện với nhiều hình thức. Tuy nhiên, các hộ dân có nhiều ý kiến trái chiều và hầu hết không hợp tác, số đồng ý di dời thì yêu cầu Nhà nước phải đền bù, hỗ trợ thỏa đáng….

Trước những khó khăn trên, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND huyện Xuyên Mộc tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng và đối thoại trực tiếp với các hộ dân đang canh tác, sinh sống trong khu bảo tồn nhằm tháo gỡ các khó khăn đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên.

Thông qua buổi đối thoại này Ban Quản lý cũng sẽ thông báo đến người dân về các chính sách hỗ trợ mà người dân sẽ nhận được sau khi di dời ra khỏi rừng như: tùy từng vị trí và năm canh tác các hộ dân sẽ được nhận hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, vật kiến trúc có trên đất, hỗ trợ tái định cư cho người dân, sau khi di dời ra khỏi rừng người dân có thể làm đơn xin nhận khoán bảo vệ rừng…

"Hy vọng sau cuộc đối thoại, gặp gỡ này chính quyền địa phương và người dân sẽ tìm được tiếng nói chung, việc di dời các hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ sẽ sớm được triển khai, để Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu sớm được khôi phục, phát huy chức năng phòng hộ của đất rừng tự nhiên ven biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực", ông Trại chia sẻ thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục