Bà Rịa-Vũng Tàu lên kế hoạch tái canh cây cà phê

16:05' - 14/02/2023
BNEWS UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ngày càng giảm mạnh. Trước thực trạng này, UBND tỉnh vừa phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

 
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đề ra mục tiêu trồng tái canh 108 ha cà phê, với năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn nhân/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh.

Lộ trình thực hiện Đề án cụ thể: năm 2021 (đã thực hiện) với tổng diện tích thực hiện tái canh 20 ha, năm 2022-2023 thực hiện tái canh với tổng diện tích 51 ha, năm 2024 là 23 ha và năm 2025 thực hiện 14 ha. Việc thực hiện việc tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch yêu cầu diện tích cà phê đăng ký trồng tái canh phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đáp ứng các điều kiện như: vườn cà phê già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền thấp dưới 2 tấn nhân/ha, vườn cà phê không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; vườn cà phê trồng tái canh từ 1-3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ.

Theo Quyết định này, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn quản lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/11 hàng năm.

Bên cạnh đó, 2 địa phương trên, phối hợp với các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay tái canh cà phê đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; hướng dẫn, vận động người dân tái canh cà phê theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng các giống cà phê mới thích hợp với điều kiện sinh thái địa phương theo hướng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, củng cố hoạt động của các hợp tác xã hiện có, thành lập hợp tác xã đủ năng lực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, thúc đẩy gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ cà phê theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Cây cà phê trước đây là cây trồng chủ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài diện tích thì chất lượng của cà phê trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá cao và được khách hàng ưu chuộng. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến tháng 2/2023 diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đang ngày càng giảm mạnh. Theo đó, diện tích cà phê gieo trồng trên toàn tỉnh khoảng hơn 2.380 ha, giảm gần 50% diện tích so với thời điểm năm 2018.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay hầu hết các vườn cà phê còn lại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều được trồng xen canh với cây hồ tiêu, ca cao hoặc cây trồng khác, hầu như không còn diện tích cà phê trồng riêng lẻ trên một diện tích đất.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân khiến diện tích cây cà phê đang trên đà giảm mạnh là do những năm gần đây, giá cà phê luôn ở mức thấp và ngày càng bị rớt giá, lại thêm thời gian qua, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của cà phê nên bà con không mặn mà đầu tư trồng mới mà ngày có thêm nhiều diện tích cà phê bị chặt bỏ để thay thế các cây trồng có giá trị cao hơn như: bơ, sầu riêng….

Anh Võ Ngọc Thanh, ở thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức có 1,8 ha cà phê trồng xen canh với cây sầu riêng đang thu hoạch cho biết: “Giá cả cà phê mỗi năm mỗi thấp. Nếu như khoảng 7 năm trước giá cà phê ở mức 45 nghìn đồng/kg thời điểm đó giá phân, thuốc vẫn ở mức thấp nên người nông dân còn có lãi. Thế nhưng, đến thời điểm này giá phân, thuốc tăng cao gấp nhiều lần so với trước nhưng giá cà phê lại rớt xuống chỉ còn 40 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá nhân công lại quá cao 300 người/ngày thu hoạch, người trồng không có lời”.

Không chỉ khó khăn về giá cả mà việc tìm kiếm nhân công hái cà phê cũng rất khan hiếm, đây cũng là một trở ngại với các nhà vườn trồng cà phê mỗi khi vào chính vụ. Mặc dù, giá nhân công hiện nay đang tăng cao từ 280 – 300 nghìn đồng/kg nhưng hầu như không tìm được người.

Ông Hồ Quang Thịnh, nông dân trồng cà phê ở thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, giờ ở địa phương này tìm công thu hoạch cà phê rất khó, hiện giờ thu nhập tại địa phương thấp nên họ đi làm công ty hết. Các nhà vườn phải tìm kiếm nhân công từ các tỉnh miền Tây, lao động tại địa phương hầu như không kiếm được./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục