Bắc Giang đặt mục tiêu nằm trong Top đầu miền Bắc về nông nghiệp

10:27' - 19/11/2024
BNEWS Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang là một trong những tỉnh có nền nông nghiệp trọng điểm quốc gia, nằm trong Top đứng đầu miền Bắc.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang phấn đấu từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông lâm thủy sản bình quân đạt 2 -3%/năm. Đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp đạt 50%, thủy sản đạt 55% và lâm nghiệp đạt 30%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm.

Tỉnh có ít nhất 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang là một trong những tỉnh có nền nông nghiệp trọng điểm quốc gia, nằm trong Top đứng đầu miền Bắc. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn Bắc Giang không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Thời gian tới, Bắc Giang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh, trung tâm thu gom nông sản ở vùng sản xuất trung tâm cung ứng nông sản kết nối thị trường trong nước với quốc tế, hình thành hệ thống chợ đầu mối đa chức năng, sàn giao dịch cho các nông sản chủ lực, xây dựng các trung tâm hậu cần biên mậu.

Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; bảo quản và chế biến nông lâm sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho cơ sở chế biến; thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, tạo điều kiện hình thành động lực tăng trưởng cho các địa phương.

Bắc Giang định hướng đa dạng hóa chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với lợi thế, hoàn cảnh và cơ hội phát triển của từng địa phương theo 3 hướng. Theo đó, các xã khu vực ven đô có kinh tế phi nông nghiệp chiếm đa số, dịch vụ, thương mại và cơ sở hạ tầng phát triển mạnh thì hướng tới đô thị hóa; phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành các “khu đô thị sinh thái”. Tỉnh từng bước đưa đô thị phát triển về địa bàn nông thôn.

Các xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, sản xuất sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh thì xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có cơ sở hạ tầng và các cụm ngành chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kết nối hạ tầng với các thị trường lớn, khu trung chuyển, dịch vụ hậu cần lớn, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế; phát triển các khu dân cư nông thôn phân tán theo địa bàn sản xuất, liên kết hài hòa với các đô thị để đảm bảo cung cấp dịch vụ kinh tế - xã hội.

Các xã nông thôn truyền thống tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phát triển các khu dân cư tập trung có quy mô thích hợp liên kết với đô thị ở các địa phương…

Đến nay, Bắc Giang có 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.327 ha; trong đó, có 41 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích 2.179 ha; 14 cụm công nghiệp do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Đã có 35/55 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, với diện tích 1.243 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 604 ha (cụm công nghiệp đi vào hoạt động); đã thu hút được 280 dự án, vốn đăng ký 35.358 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 10.325 tỷ đồng; đã có 219 dự án đi vào hoạt động, 61 dự án đang triển khai. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 40,5%.

Hạ tầng mạng lưới điện nông thôn tại tỉnh được quan tâm đầu tư (hằng năm Công ty Điện lực Bắc Giang đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống điện phục vụ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân).

Tỉnh có 132 chợ với tổng diện tích 643.442 m2; hiện có 14.398 điểm kinh doanh hoạt động với 10.969 điểm kinh doanh cố định, với 12.688 lao động kinh doanh thường xuyên tại chợ. Phần lớn chợ của tỉnh là chợ bán lẻ phục vụ nhu cầu dân sinh…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục