Bắc Giang xúc tiến du lịch xanh

18:35' - 11/04/2025
BNEWS Ngày 11/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Bắc Giang năm 2025 với chủ đề “Bắc Giang: Điểm đến du lịch xanh Việt Nam”.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch và báo chí nhằm quảng bá tiềm năng, kết nối hợp tác và đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch địa phương.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa khẳng định, với hệ thống di sản phong phú, thiên nhiên ưu đãi và bản sắc văn hóa đặc trưng, Bắc Giang đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch toàn diện, bền vững. Tỉnh hiện có hơn 2.237 di tích; trong đó nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, các địa danh như: hồ Cấm Sơn, Khe Rỗ, Tây Yên Tử... Cùng với 4 di sản được UNESCO công nhận, nhiều lễ hội đặc sắc và vùng cây ăn quả nổi tiếng ở Lục Ngạn, Lục Nam, Bắc Giang đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn tại miền Bắc. Tỉnh hiện tập trung phát triển 4 loại hình du lịch chủ lực: văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi - thể thao, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và làng nghề. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 3 triệu lượt khách, tạo 6.000 việc làm; đến năm 2030 đón 7,5 triệu lượt khách, tổng thu 7.500 tỷ đồng.

 
Các chuyên gia nhận định, dù có tiềm năng lớn, du lịch Bắc Giang vẫn đối mặt nhiều thách thức như: xúc tiến quảng bá còn yếu, thiếu phối hợp giữa các đơn vị; sản phẩm chưa đặc trưng, thiếu khu vui chơi, kinh tế đêm kém phát triển. Hạ tầng và dịch vụ du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp; một số dự án triển khai chậm. Việc gắn kết du lịch tâm linh, văn hóa với du lịch cộng đồng chưa hiệu quả, hoạt động còn  mang tính mùa vụ, vai trò người dân chưa rõ nét.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, để xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang cần xác định rõ phân khúc thị trường theo từng nhóm khách hàng; từ đó phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo tính hiệu quả và hấp dẫn. Đồng thời trong định hướng phát triển du lịch xanh, tỉnh nên tận dụng lợi thế về các loại trái cây đặc sản, từng bước định vị hình ảnh “vựa trái cây” của miền Bắc. Trái cây sẽ là điểm nhấn để xây dựng các biểu tượng du lịch, phát triển sản phẩm ẩm thực, tổ chức lễ hội gắn với các điểm đến văn hóa đã được UNESCO công nhận.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định sẵn sàng hợp tác với Bắc Giang trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm mới, độc đáo. Hai địa phương sẽ tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để các công ty lữ hành khảo sát, thiết kế các sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên biệt, phù hợp với nhu cầu thị trường; đồng thời, cùng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thông qua các hoạt động truyền thông chung.

Nhấn mạnh về các giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, AI, VR360, truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, phối hợp với báo chí, KOLs và tham gia các hội chợ du lịch lớn. Tỉnh sẽ triển khai kích cầu dịp lễ, tổ chức các sự kiện, giảm giá dịch vụ và chú trọng đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm đặc trưng, bền vững và giàu bản sắc.

Hội nghị xúc tiến du lịch Bắc Giang năm 2025 không chỉ mở ra cơ hội kết nối mà còn khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa địa phương trở thành điểm đến xanh - an toàn - thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục