Bạc Liêu: Đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách xã hội từ 7 – 9%

10:24' - 06/03/2021
BNEWS Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu phấn đấu tăng trưởng dư nợ khoảng từ 7 – 9% (tương ứng gần 150 tỷ đồng) đưa dư nợ đạt gần 2.300 tỷ đồng; nợ quá hạn phấn đấu dưới 1%/tổng dư nợ.

Không còn xã có nợ quá hạn đến 4%; tỷ lệ thu lãi đạt trên 98% lãi dự thu; tỷ lệ thu nợ đến hạn phấn đấu từ 80% trở lên; chất lượng hoạt động tín dụng tại các huyện, xã không có đơn vị xếp loại yếu kém.

Để thực hiện mục tiêu này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho địa phương theo quy định hoàn thành trước 30/9/2021.

Đồng thời, bám sát các địa bàn được phân công phụ trách để tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng quản lý vốn, chất lượng tín dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án và cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh tham mưu với UBND tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh kỳ họp gần nhất để ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 là 30 tỷ đồng/năm trở lên để tạo nguồn đối ứng với nguồn vốn của Trung ương và cho vay giải quyết việc làm.

Cùng với đó, các hội, đoàn thể, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, để người dân ý thức được việc có vay, có trả và từng bước nâng dần chất lượng tín dụng chính sách.

Mặt khác, trong khi chờ UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch vốn hàng năm ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, đề nghị UBND huyện, thị xã có thể cân đối, chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội 1 tỷ đồng/huyện.

Ngoài ra, các Hội nhận ủy thác phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội quyết liệt triển khai thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại 100% xã, phường, thị trấn; thường xuyên củng cố, kiện toàn đối với Ban Quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém.

Tổ chức tốt tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn cho hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã; tổng hợp danh sách hộ chây ỳ, đối tượng nợ là cán bộ, đảng viên, nợ chiếm dụng, nợ không có khả năng thu hồi... và tham mưu hướng xử lý hiệu quả; giải ngân kịp thời nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã thông báo.

Tại Bạc Liêu, thời gian qua, với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển dịch vụ, duy trì và tạo thêm việc làm mới cho người lao động, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đi học...

Cụ thể, năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu đã cho hơn 22.000 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền cho vay là gần 600 tỷ đồng; trong đó, tập trung vào các chương trình như: cho vay hộ cận nghèo 149 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 119 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 117 tỷ đồng, giải quyết việc làm 88 tỷ đồng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục