Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách​

19:46' - 15/02/2021
BNEWS Hàng nghìn hộ nghèo tại Gia Lai đã được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Gia Lai là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Thời gian qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi nên nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã có việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai từ gần 20% (năm 2015) giảm còn 4,5%; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ hơn 40% (năm 2015) giảm xuống còn 6,25%.
Để đạt được kết quả tích cực này, tỉnh Gia Lai đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ cho người dân; trong đó, hàng nghìn hộ nghèo đã được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Một trong những hộ đồng bào thiểu số điển hình vượt khó là gia đình anh Nay H’Tir ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa. Sau nhiều năm loay hoay trồng cây nông nghiệp không hiệu quả, gia đình lại đông người nên cái khó, cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình anh H’Tir. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2019, anh H’Tir được địa phương và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Krông Pa tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn này, anh H’Tir quyết định mua 2 con bò sinh sản về chăn nuôi với hy vọng tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Sau gần 2 năm tận tụy chăm sóc, thành quả mang lại cho gia đình anh là 2 bê con ra đời. Hiện anh đã bán 1 bê con để lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và sửa nhà.
Anh Nay H’Tir chia sẻ, Anh Nay H’Tir chia sẻ, trước đây gia đình anh rất khó khăn, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hướng dẫn và hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, 2 bò mẹ đã sinh được 2 con bê và tôi vừa bán 1 con để lấy tiền trang trải cuộc sống, làm lại nhà nên cuộc sống phần nào ổn định hơn.
Nhằm đảm bảo nguồn vốn phục vụ các chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đã chủ động tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và huy động tối đa nguồn vốn tại địa phương đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và cho vay giải quyết việc làm cho các xã nông thôn mới.
Nhờ đó, chỉ tính trong vòng 5 năm (2016-2020), tổng doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt trên 5.200 tỷ đồng với gần 176.000 lượt khách hàng được vay vốn. Dư nợ tại các xã nông thôn mới đạt hơn 3.900 tỷ đồng tăng gần 1.450 tỷ đồng so đầu năm 2016. Điều này đã góp phần giúp cho gần 47.000 hộ dân thoát nghèo, trên 28.600 lượt hộ thoát cận nghèo và giải quyết việc làm cho gần 11.000  lao động.
Phó Bí thư Huyện ủy Krông Pa, Kpă Ngun đánh giá, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của nguồn vốn tín dụng chính sách, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn rất an tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Krông Pa giai đoạn 2016-2020 giảm xuống rõ rệt từ 34,1% xuống còn 11,78%.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng; tăng cường nguồn vốn ủy thác để mở rộng cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo.
Các chương trình tín dụng đa dạng, thủ tục cho vay đơn giản, công khai, minh bạch, vốn tín dụng chính sách đã phát huy được sức mạnh và là đòn bẩy kinh tế quan trọng giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác vượt khó.
Ông Đinh Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, đến thời điểm hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai 16 chương trình tín dụng; trong đó, hầu hết đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; đặc biệt, phải kể đến 3 chương trình dành riêng cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo đó là chương trình cho vay theo Quyết định 74, 755, 2085 của Chính phủ. Đến nay, số hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn đạt trên 64%.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ triệt để nguồn vốn của Trung ương kết hợp với nguồn vốn của địa phương để đảm bảo hộ nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Với những kết quả đáng khích lệ trên, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng hoàn thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo tiến tới phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục