Bạc Liêu khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông 30/4

19:43' - 23/05/2025
BNEWS Sau khi xảy ra hiện trạng sạt lở bờ sông 30/4, UBND thành phố Bạc Liêu đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng với UBND Phường Nhà Mát khoanh vùng sạt lở.
Ngày 23/5, theo thông tin từ UBND thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố đang phối hợp cùng với ngành chức năng khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ sông 30/4 (thuộc khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát).

Theo UBND thành phố Bạc Liêu, sau khi xảy ra hiện trạng sạt lở bờ sông 30/4, thành phố đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng với UBND Phường Nhà Mát khoanh vùng sạt lở, đồng thời căng dây, cắm biển báo để cảnh báo, bảo vệ người dân sinh sống tại khu vực được biết, để chủ động phòng tránh sạt lở, chỉ đạo UBND phường Nhà Mát cử lực lượng ứng trực 24/24.

Cùng với đó, phối hợp với Chi cục Thuỷ lợi và Quản lý công trình tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu), UBND phường Nhà Mát và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện khắc phục đoạn sạt lở.

Dự kiến thời gian hoàn thành gia cố đoạn sạt lở trong tháng 6/2025 đề đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, hạn chế thiệt hại.
 
Theo ghi nhận, ở hai đầu khu vực xảy ra sạt lở đã được lắp đặt biển cảnh báo sảt lở nguy hiểm, khu vực sạt lở xuất hiện hàm ếch, vệt đất nứt một đoạn dài, lộ bê tông tiếp giáp với hàng rào nhà dân có dấu hiệu sụt lún, cơ quan chức năng đã đóng hệ thống cừ thép tạo ra một bức tường chắn để bảo đảm đất không bị sạt lở, sụt lún gây nguy hiểm đến những khu vực lân cận.

Ngoài ra, khu vực này, thời điểm nước lớn và nước ròng (nước thấp), dòng nước chảy rất siết và xoáy, nếu không kịp thời gia cố rất dễ xảy ra sạt lở tiếp tục.

Trước đó, ngày 12/3, bờ kênh 30/4 cũng đã bị sạt lở một đoạn bề ngang khoảng 3m, chiều dài đoạn sạt lở khoảng 30m. Ngay sau đó, chính quyền địa phương cũng đã gia cố khu vực bị sạt lở để đảm bảo việc lưu thông của người dân trên địa bàn.

Đến ngày 17/5, vị trí này tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt lở một đoạn đường với chiều ngang khoảng 3m, chiều dài khoảng 15m, nguy cơ chia cắt giao thông.

Nguyên được bước đầu được xác định là do xâm thực của dòng chảy mạnh từ Biển Đông vào và ảnh hưởng của thủy triều đã gây ra sạt lở, khu vực này xuất hiện cung trượt sâu.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, từ thực tế sụt lún ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy sự bất thường của thời tiết, nhất là trong những năm gần đây. Điều này đặt ra vấn đề về quản lý hành lang đường thủy tại các địa phương để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản mang tính lâu dài của người dân trước sự ảnh hưởng của sạt lở, sụt lún.

Cùng với đó, nguồn lực của tỉnh có hạn nhưng nguồn vốn cần để xây dựng các bờ kè phòng, chống sạt lở tại các địa phương khá lớn do hệ thống sông ngòi của tỉnh rất chằng chịt.

Ngay sau sạt lở, tại các khu vực bị sạt lở, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng và chính quyền địa phương tổ chức cắm biển báo nguy hiểm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để các hộ dân sinh sống khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chủ động kịp thời trong phòng, chống sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại nếu sạt lở tiếp tục xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục