Bạc Liêu tập trung thu hút vốn tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP

18:35' - 30/11/2020
BNEWS Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước đạt bình quân từ 15 – 17%/năm trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60 – 65 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Bạc Liêu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, đảm bảo bố trí vốn tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Tỉnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu; giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư; tăng cường hoạt động hậu kiểm như: kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Tỉnh đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý tốt, công nghệ hiện đại, có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bạc Liêu tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp nước ngoài; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân liên kết, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, nhất là về chuỗi nông nghiệp thực phẩm và năng lượng tái tạo; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những hộ sản xuất, kinh doanh từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP.
Cùng với đó, tỉnh đổi mới phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là khu vực nông nghiệp, nông thôn xây dựng một số hợp tác xã đầu đàn cả về quy mô, sản phẩm chủ lực và công nghệ để dẫn dắt các hợp tác xã cùng ngành nghề, tiến tới phát triển các liên hiệp hợp tác xã; chú trọng phát triển mô hình tổ hợp tác trên các lĩnh vực.
Mặt khác, tỉnh thực hiện tốt liên kết Tiểu vùng bán đảo Cà Mau; mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Cần Thơ, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư theo hướng nhanh, gọn, minh bạch, công khai, thực hiện việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI) và duy trì chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI) của tỉnh; tăng cường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục