Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP

08:00' - 05/11/2023
BNEWS Tỉnh Bắc Ninh xác định chuyển đổi số là cơ hội tạo bứt phá, vươn lên.

Theo Nghị quyết phê duyệt "Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030" vừa được HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Tỉnh Bắc Ninh xác định chuyển đổi số là cơ hội tạo bứt phá, vươn lên. Vì vậy đây sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn liền với cải cách thể chế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững đến năm 2030.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được thực hiện qua các hệ thống báo cáo của tỉnh; 100% cơ quan Nhà nước các cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân.

Năm 2025, Bắc Ninh phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; trên 50% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử. Tỉnh phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số hàng năm; đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Đến năm 2030, Bắc Ninh duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số hàng năm. Kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP. Trên 80% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử và duy trì chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Giai đoạn này, tỉnh phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỉnh phấn đấu giảm 30% thủ tục hành chính, mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% sở, ngành, địa phương thực hiện số hóa các hồ sơ cập nhật vào các hệ thống thông tin chuyên ngành theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục