Bài 1 - Hợp tác quốc tế mang lại lợi ích gì cho giáo dục đại học trong nước ?

08:34' - 27/08/2017
BNEWS Hiện Việt Nam có hơn 480 chương trình đào tạo liên kết với những cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Việc hợp tác này sẽ mang lại lợi ích gì cho việc đào tạo nguồn nhân lực?

Chương trình đào tạo liên kết quốc tế do các trường đại học nước ngoài cấp bằng được triển khai tại Việt Nam nói chung, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có từ cuối những năm 1990.

Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở các trường đại học ngày càng “nở rộ”. Trong đó, nhiều chương trình đào tạo được thực hiện rất nghiêm túc nhưng cũng có những chương trình đào tạo chỉ vì lợi nhuận mà quên đi chất lượng đào tạo.

Do vậy, bên cạnh việc khuyến khích các trường đại học trong nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, ngành Giáo dục và Đào tạo cần kiểm soát những chương trình liên kết đào tạo này. 

Hiện có hơn 480 chương trình đào tạo liên kết với những cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã và đang thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Những chương đào tạo liên kết này đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến ở các nước trên thế giới.

Thông qua quá trình hợp tác, các trường có thể học hỏi để xây dựng chương trình giảng dạy đạt chuẩn quốc tế; đồng thời tạo ra nhiều cơ hội học tập cho người học. 

Đa dạng mô hình đào tạo liên kết quốc tế 

Theo nhiều chuyên gia, có thể hiểu chương trình liên kết đào tạo quốc tế là tất cả những hình thức hợp tác mà phía nước ngoài không thành lập chi nhánh, trường đại diện ở Việt Nam. Trong đó, phía trường trong nước và nước ngoài cùng cung cấp một chương trình đào tạo có thể là chương trình hoàn toàn hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng.

Hai phía đối tác thống nhất phân bổ thời gian đào tạo tại Việt Nam và ở nước ngoài. Văn bằng do phía trường nước ngoài cấp hoặc hai phía cùng cấp bằng.

Các chương trình đào tạo liên kết được phân thành hai nhóm: Nhóm chương trình liên kết đào tạo có sự hỗ trợ của nhà nước hay tổ chức nước ngoài và nhóm chương trình liên kết đào tạo do người học trả học phí.

Các chương trình đào tạo liên kết có sự hỗ trợ của nhà nước hoặc tổ chức quốc tế hiện còn rất ít trong khi đó, số lượng những chương trình đào tạo liên kết quốc tế do người học tự trả học phí ngày càng tăng nhanh.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE nhận định: Nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng còn yếu và có khoảng cách rất lớn đối với giáo dục đại học ở các nước phát triển.

Vì vậy, các xu hướng đào tạo liên kết quốc tế sẽ góp phần thổi luồng gió mới vào giáo dục đại học Việt Nam, giúp những cơ sở đào tạo trong nước có thêm kênh tiếp nhận tri thức và công nghệ tiên tiến.

Các xu hướng này không những giúp sinh viên du học tại chỗ, hạn chế nạn chảy máu chất xám, ngoại tệ ra nước ngoài mà còn giúp các cơ sở giáo dục tạo ra khả năng thu hút sinh viên trong và nước ngoài đến học tập, qua đó góp phần phát triển giáo dục đại học của Việt Nam. 

Nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường đại học 

Từ năm 1990, nhiều trường đại học lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế…đã mạnh dạn triển khai chương trình liên kết đào tạo bậc sau đại học và đại học với các trường đại học nước ngoài.

Việc tiếp cận chương trình đào tạo của các trường nước ngoài ban đầu tập trung ở những ngành mà đào tạo trong nước còn yếu tại thời điểm đó như: Chính sách công, điện - điện tử, khoa học và kỹ thuật máy tính…

Thời điểm đó, kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo phải đào tạo được nguồn nhân lực có đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực này.

Nắm bắt nhu cầu đó, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn liên kết với các trường đại học nước ngoài để mở những ngành học mà xã hội đang cần.

Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu liên kết quốc tế trong những ngành học thuộc lĩnh vực cơ khí, điện, máy tính. Từ năm 1992, trường đã thực hiện chương trình bán du học với Đại học Tasmania (Australia) với các chuyên ngành xây dựng, cơ khí, điện - điện tử, kỹ thuật máy tính…

Sinh viên theo học những ngành này không chỉ được tiếp cận với kiến thức mới chưa có trong nước mà còn được ứng dụng, thực hành nhiều hơn ở các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế của Đại học Tasmania.

Mặc dù trong những chương trình đào tạo liên kết quốc tế, nhiều chương trình đào tạo hiện nay các cơ sở đào tạo trong nước có thể đào tạo được nhưng nhiều trường cũng mở các ngành đào tạo mà trong nước chưa có nhất là những ngành thuộc về công nghệ, dịch vụ.

Cụ thể, hai năm trở lại đây, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tiên phong liên kết với Trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ (top 100 trường đại học tốt nhất thế giới) để đào tạo ngành cử nhân Kinh doanh thể thao - tổ chức sự kiện và kinh doanh thể thao giải trí bãi biển.

Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế không chỉ cung cấp những ngành học mới phục vụ sự phát triển của đất nước mà còn tác động rất lớn đến nền giáo dục đại học trong nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai các chương trình đào tạo liên kết với những trường đại học thế giới đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường.

Cụ thể, do các chương trình đào tạo là của phía đối tác nước ngoài nên qua đó nhà trường từng bước hiện đại hóa, cập nhật các chương trình giảng dạy tiên tiến của họ.

Ngoài ra, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế còn giúp tạo thành mạng lưới kết nối các giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ thêm. 

Mang lại cơ hội cho người học 

Sở dĩ các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đã và đang phát triển nhanh vì những chương trình này đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của một bộ phận không nhỏ người học. Không chỉ tiết kiệm được thời gian học tập ở nước ngoài hay chi phí mà người học còn được tiếp cận các chương trình học tiến bộ để hội nhập quốc tế.

Thực tế các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đang triển khai ở Việt Nam có mức học phí khá hợp lý. Ví dụ, muốn học ở Pháp, Hoa Kỳ… một năm mỗi sinh viên phải tốn ít nhất 20.000 - 30.000 USD nhưng nếu học ở Việt Nam chỉ khoảng 5.000 - 10.000 USD cho cả khóa học hai năm.

Như vậy, không cần thiết phải ra nước ngoài, người học vẫn được học chương trình đạt chuẩn quốc tế ở trong nước.

Chị Trần Tuyết Mai, Trưởng Phòng Phát triển Kinh doanh Ưu đãi đặc quyền tại VP Bank Securities Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chị đã thi đỗ và từng theo học ở một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, môi trường dạy và học ở đây chưa phù hợp với những gì chị mong muốn. Do đó, chị đã quyết định chuyển sang học Chương trình Cử nhân Hoa Kỳ UHCL 2+2 tại Viện Đào tạo Quốc tế (IEI), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2007.

Với hình thức học liên kết này, chị vừa tiết kiệm được chi phí so với việc du học trực tiếp 4 năm tại Hoa Kỳ. Mặt khác, chị được học tập trong môi trường mà mình mong muốn.

Nếu các chương trình đào tạo truyền thống còn mang nặng tính hàn lâm, những chương trình đào tạo liên kết quốc tế ngoài kiến thức hàn lâm còn gắn liền với thực tiễn. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên được học các kỹ năng mềm.

Hơn nữa, các chương trình liên kết quốc tế được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh góp phần giúp sinh viên dễ dàng hội nhập quốc tế. Với những lợi thế này, sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên trở nên dễ dàng hơn”, bà Huỳnh Minh Quyên, Trưởng Phòng Tuyển sinh IEI, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định./.

Bài 2: Cần có quy định, tiêu chí cụ thể hơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục