Khuyến khích mô hình doanh nghiệp đào tạo nhân lực du lịch không vì lợi nhuận

19:20' - 06/07/2017
BNEWS Chiều 6/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về tình hình phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch.

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, lao động ngành du lịch có khoảng 2,25 triệu người; trong đó lao động trực tiếp khoảng 750 nghìn người.

Dự kiến đến năm 2020, lao động du lịch khoảng 3 triệu người, trong đó lao động trực tiếp đạt khoảng 870 nghìn người. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dưới sơ cấp khoảng 54,6%; sơ cấp khoảng 17,8%; trung cấp khoảng 15,2%; đại học, cao đẳng khoảng 12,2% và trên đại học khoảng 0,2%.

Lao động ngành du lịch sử dụng được ngoại ngữ khá cao, chiếm khoảng 60%, trong đó lao động biết ngoại ngữ nhiều nhất là tiếng Anh, chiếm khoảng 42% tổng số nhân lực toàn ngành.
Mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch được củng cố, số lượng tăng nhanh, cơ cấu đa dạng về cấp trình độ đào tạo và ngành nghề đào tạo, phân bố tập trung ở các trung tâm du lịch trọng điểm. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 156 cơ sở tham gia đào tạo du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo ngắn hạn. Mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực du lịch đã có ở hầu hết các địa phương.

Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghề, trong đó có đào tạo ngắn hạn nghề du lịch. Hiện, mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 22 nghìn học sinh, sinh viên du lịch. Số lượng học sinh, sinh viên học du lịch tốt nghiệp hàng năm khoảng 20 nghìn người.

Ước khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng du lịch và 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp du lịch tìm được việc làm đúng nghề được đào tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công việc.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn nhận định: Nguồn nhân lực du lịch đã có bước phát triển đáng kể về quy mô, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch; thu hút sự quan tâm của lao động, có sự dịch chuyển mạnh lao động sang lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cùng với sự thiếu khuyết về ngoại ngữ, tin học, khả năng xử lý kỹ năng mềm, nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch cũng chưa được đào tạo, huấn luyện đầy đủ dẫn đến lao động còn thiếu tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, thiếu chuyên nghiệp, kỷ luật lao động chưa cao, thái độ phục vụ chưa chu đáo...

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là do ngành du lịch chưa có mã ngành đào tạo riêng (ở bậc đại học), chưa thống nhất tiêu chuẩn đào đạo nghề quốc gia.
Tại cuộc họp, các hạn chế của công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch được các đại biểu chỉ ra. Đó là: Bộ máy quản lý Nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa đủ mạnh, tổ chức quản lý về đào tạo phát triển nhân lực phân tán, thiếu sự phối hợp.

Quy mô đào tạo chưa đủ lớn, năng lực đào tạo chưa đồng đều, ngành nghề đào tạo thiếu, cơ cấu chưa hợp lý. Phân bố cơ sở đào tạo du lịch chưa trải hết các vùng có nhu cầu lớn về đào tạo du lịch.

Đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa cao, năng lực ngoại ngữ, thiếu kinh nghiệm thực tế, phương pháp giảng dạy chưa thật sự phù hợp; thiếu sự liên kết, liên thông thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch sử dụng nhân lực...
Nhằm tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, các đại biểu đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội trong lĩnh vực du lịch; củng cố, tăng cường năng lực, hoàn thiện mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ, cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bổ vùng, miền hợp lý, phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Quốc gia.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị tăng cường hợp tác ba nhà: quản lý - đào tạo - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch; chuẩn hoá quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đào tạo phát triển nhân lực du lịch...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sớm xây dựng chuẩn đầu ra cho các cấp độ ngành nghề trong lĩnh vực du lịch từ sơ cấp đến sau đại học.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, chọn lựa một số địa bàn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... làm nòng cốt, hình thành các trung tâm đào tạo, có sự phối hợp với các khách sạn lớn đào tạo nhân lực; xây dựng các chương trình, giáo trình tập huấn cho đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là những người dân đang thực hiện loại hình du lịch "homestay".
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch, trong đó có đào tạo nhân lực du lịch. Đây là hai ngành cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Muốn làm được điều này cần có các giải pháp đột phá.

Phó Thủ tướng gợi mở Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có thể làm đầu mối để thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nhân lực du lịch.

Tinh thần chung là Chính phủ khuyến khích mô hình đào tạo không vì lợi nhuận. Các doanh nghiệp đào tạo không vì lợi nhuận sẽ không phụ thuộc vào các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo. Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch. Đây là chủ trương cần đẩy mạnh trong thời gian tới - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2017, các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo phối hợp hoàn thiện 10 bộ tiêu chuẩn nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục