Bài tham khảo viết thư quốc tế UPU 2018: Giấc mơ kỳ lạ và chuyến đi về quá khứ

20:06' - 11/02/2018
BNEWS Hôm nay tôi viết bức thư này, kể cho “các bạn” nghe về giấc mơ kì lạ của tôi và chuyến đi về quá khứ và tôi nhất định phải viết bức thư này cho “các bạn”!
"Đừng để tuyết rơi giữa mùa hè!". Ảnh minh họa: THX/TTXVN

“Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc?” Đây là chủ đề của cuộc thi viết thư UPU lần thứ 47 được Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố năm 2018.

>>> Gợi ý viết thư quốc tế UPU 2018: Chàng kiến trúc sư cảnh báo thảm họa biến đổi khí hậu

>>> Gợi ý viết thư quốc tế UPU 2018: Gửi ông Thomas Edison và những phát minh vĩ đại

BNews xin gửi tới các em bài viết gợi ý sau dành cho cuộc thi viết thư quốc tế UPU 2018:

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2030

Gửi quá khứ của “chúng tôi”,

Hôm nay tôi viết bức thư này, kể cho “các bạn” nghe về giấc mơ kì lạ của tôi và chuyến đi về quá khứ, và tôi nhất định phải viết bức thư này cho “các bạn”, để chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ hành tinh màu xanh này!

Hôm ấy là ngày 7 tháng 7 năm 2030.

“Mẹ ơi, sao giữa mùa hè mà lại có tuyết rơi hả mẹ?”

“Đây là trận lụt lớn nhất trong lịch sử, gây quá nhiều thiệt hại về người và của”….

Những âm thanh phát ra từ chiếc tivi cầm tay, thiết bị mà người ta vẫn luôn quá đỗi tự hào vì phát minh sáng tạo của mình, và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ. Chương trình thời sự đang đưa tin về những sự khắc nghiệt của thời tiết lần đầu tiên xảy ra suốt cả thế kỉ qua.

Tôi thắc mắc, sao thời tiết lại khắc nghiệt thế này? Liệu giấc mơ đêm qua có phải là câu trả lời? Đêm qua tôi đã có một cơn ác mộng, cả biển người ngập trong nước, như thể cả nhân loại đang chìm trong trận đại hồng thủy vậy.

Tôi cố nắm lấy đôi tay của mẹ tôi, nhưng không kịp, những dòng nước trào lên cuộn xuống nhấn chìm tất cả, tôi phút chốc cũng chìm vào dòng nước vô định... 

Giật mình tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa cũng những sự lo lắng sợ hãi, tai tôi nghe văng vẳng tiếng ai đó: “Đây là hậu quả, đây là hậu quả vì các người đã hủy hoại môi trường!”

Đi tìm câu trả lời, tôi đã tích cóp tất cả số tiền mình tiết kiệm được để có thể ra “SCIENCE TECHNOLOGY” thuê chiếc máy du hành thời gian 1 ngày để trở về quá khứ, xem chính tổ tiên của tôi đã làm gì để Trái Đất nổi giận đến thế!

Đặt chân tới Trái Đất năm 2018, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những váng dầu đen trên biển, những rác thải trôi nổi trên biển dạt vào bờ, không khí xung quanh là sự hỗn độn của mùi rác, mùi sinh vật biển chết trôi dạt…

Băng qua Bắc Cực và Nam Cực, tôi thấy băng đang tan ra ở hai cực, nếu cứ tiếp tục như thế này, tôi sợ rằng tương lai tôi đang sống, cả thế giới sẽ ngập trong biển nước!

Nhìn từ trên cao xuống, những cột khói đen xám cao ngất liên tục phụt lên không trung, chiếc máy thử độ ô nhiễm cầm tay của tôi reo lên liên tục tiếng “bip” báo động tôi cần khỏi đi khỏi khu vực này vì quá ô nhiễm, nồng độ CO2 trong không khí đã lên tới 400 phần triệu, con số quá lớn!

Xung quanh những cột khói là hàng dài những ngày máy, xí nghiệp đang hoạt động, kế đó là các khu dân cư đông người qua lại, sức khỏe họ sẽ ra sao? Tôi thực sự lo lắng!

Tôi thấy biển chết đang bị thu hẹp, sẽ ra sao nếu Trái Đất mất đi biển chết?

Tôi thấy thế hệ trước tôi khai thác than đá, nhiên liệu hóa thạch quá nhiều, những mỏ than mọc quá nhiều, và tôi tin chắc những mỏ than ấy có ảnh hưởng trực tiếp tới lục địa. Liệu những trận động đất, những trận sóng thần ở tương lai có phải chăng là do những sự tác động này?

Con người quá thờ ơ với biến đổi khí hậu, tôi thấy họ không tiết kiệm nước, tôi thấy họ không tiết kiệm điện, tôi thấy có quá nhiều khí thải, quá ít cây xanh trong các đô thị lớn, quá nhiều rác ở các vùng biển,…

Có rất nhiều những hành động tác động tồi tệ đến môi trường, và hậu quả của nó sẽ là những điều mà thế hệ tôi, những người của tương lai phải chấp nhận.

Xin thế hệ đi trước tôi, hãy chung tay bảo vệ môi trường, đừng để băng tiếp tục tan ở hai cực, đừng để chim cánh cụt không còn chỗ ở, đừng để biển chết biến mất, đừng để Maldives – thiên đường của các thiên đường bị nhấn chìm, đừng để san hô không còn trong bách khoa toàn thư thực vật, đừng để tuyết rơi vào mùa hè và những trận lụt sẽ nhấn chìm tất cả.

Đừng để giấc mơ của tôi trở thành hiện thực. Chúng ta có không thể thay đổi quá khứ những việc đã làm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục và thay đổi, cho chính cuộc sống ở hiện tại và thế hệ tương lai.

Cùng nhau bảo vệ Trái Đất nhé, “các bạn” tôi!!!

Kí tên

Tương lai của các bạn

>> Gợi ý viết thư quốc tế UPU 2018: Lời nhắn gửi của Sơn Đoòng những năm 2040

>> Gợi ý viết thư quốc tế UPU 2018: Con xin lỗi!

>> Gợi ý viết thư quốc tế UPU 2018: Gửi cho em của những năm 20 tuổi!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục