Bài toán cân bằng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo

16:40' - 02/03/2024
BNEWS Những ngày qua, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nhưng lại thấp thỏm với giá lúa nhảy múa và các biến động với hợp đồng mua gạo của quốc tế.

Lúa gạo hiện đang là ngành hàng có giao dịch nổi bật trong các ngành hàng nông nghiệp. Mỗi biến động nhỏ của thị trường cũng gây ra tác động lớn cho lúa gạo, đặc biệt là thị trường lúa gạo nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày qua, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nhưng lại thấp thỏm với giá lúa nhảy múa và các biến động với hợp đồng mua gạo của quốc tế.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong 3 ngày qua, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg. Điều này khiến nhiều đơn vị thu mua bỏ cọc, không thu mua lúa của nông dân đang trong thời điểm thu hoạch rộ, gây khó khăn cho nông dân vì đã chốt cọc trước đó, ngừng giao thương với các đơn vị khác.

 

Theo ông Quách Minh Khoa, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, cánh đồng lúa 4 ha của gia đình đến đúng thời điểm thu hoạch, không thể chờ thêm vài ngày nữa, nên dù cả hai bên nông dân và đơn vị thu mua đã cam kết giá lúa bán ra là 9.800 đồng/kg với lúa ST25. Nhưng khi giá lúa giảm xuống còn 9.400 đồng/kg, gia đình phải chấp nhận bán hết. Bởi nếu không bán theo giá thị trường, không thương lái nào chịu thu mua lúa hiện nay.

Còn ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân tại huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) cho hay, ông có nhiều công ruộng trồng lúa đã cho thu hoạch trong vụ Đông Xuân này, nhưng nhiều thương lái đã bỏ "cọc" do giá lúa liên tục giảm. Hiện tại, ông Bảy phải chủ động tìm nơi thu mua nhưng giao dịch rất ảm đạm do các doanh nghiệp khá dè dặt khi mua vào.

Thời điểm thu hoạch rộ bắt buộc các hộ nông dân phải đưa lúa về kho hoặc bán đi để tránh thất thoát, thiệt hại và giảm chất lượng. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm nhất của thị trường lúa gạo. Mỗi biến động tăng giá đều ảnh hưởng lớn đến nông dân, đơn vị thu mua lúa gạo và cả doanh nghiệp xuất khẩu.

Đơn cử, tại Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, trước thời điểm thu hoạch rộ 1 tháng, các đơn vị thu mua sẽ đặt cọc 200.000 đồng/1.000 m2 thu mua với các hộ nông dân cho giống lúa đài thơm 8 với mức giá 9.000 đồng/kg. Nhưng đến thời điểm thu hoạch, giá lúa trên thị trường chỉ còn 7.800 - 8.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 1.200 đồng/kg lúa. Điều này đẩy cả đơn vị thu mua và nông dân vào thế tiến thoái lưỡng nan. Thương lái mua giá cao thì sẽ lỗ. Nông dân bán giá thị trường thì mất lợi nhuận, nếu không bán thì cũng chỉ mang về nhà trữ lại, không có ai mua lúc này.

Lý giải cho sự tăng giảm giá lúa trong thời gian 1 tháng qua, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, vào những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng bán gạo trước thời điểm giao hàng cuối năm cuối vụ nên phải mua lúa bằng mọi giá, kể cả khi nông dân neo giá cao quá mức, khiến giá lúa tăng cao. Còn hiện nay, một số quốc gia truyền thống lớn của Việt Nam không chấp nhận giá gạo cao đột biến như cuối năm 2023 cộng với vụ lúa Đông Xuân 2024 thu hoạch rộ nên giá lúa giảm cũng là điều bình thường của thị trường.

Theo khảo sát giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo các loại như lúa OM5451 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg; giá lúa IR50404 ở mức 7.200 - 7.500 đồng/kg, giảm 1.100 đồng/kg; lúa đài thơm 8 ở mức 7.500  - 7.800 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; lúa OM18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.300 đồng/kg, nàng hoa 9 từ 8.600 - 8.700 đồng/kg… Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Thái Bình, với giá lúa từ 7.000 đến  8.000 đồng/kg thì người sản xuất vẫn có lãi từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng/ha.

Cân bằng mua bán, tăng lợi nhuận

Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo dù có biến động cũng phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Thời gian qua, Việt Nam trúng thầu các gói mua gạo của Indonesia và Philippines nên nhu cầu thu mua lúa gạo trở nên "nóng" tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, gần đây nhất, gói thầu Bulog 300.000 tấn gạo của Indonesia lại không mời các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam tham gia.

Lý giải cho sự vắng mặt của các doanh nghiệp Việt Nam trong lần thầu bán gạo này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành chia sẻ, có thể Việt Nam đã tham gia thầu 500.000 tấn gạo trước đó và trúng thầu với số lượng lớn. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang giao hàng cho đến hết tháng 3 nên thầu này họ không mời.

Khi việc tiêu thụ lúa gạo Việt Nam tại các thị trường truyền thống "giãn" ra, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam định hình lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo. Theo ông Thành, trong thời điểm giá lúa giảm, các doanh nghiệp thu mua vào nếu thấy được giá thì bán, không được giá thì tạm trữ, nếu vội vàng bán giá rẻ khi giá gạo lên dễ bị thiệt hại. Mặt khác, nếu bán gạo giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thị trường. Do vậy, Phước Thành quyết định không bán gạo giá rẻ mà chỉ bán ở mức giá tương đối và tiếp tục mua tạm trữ chờ thị trường.

Để ngành lúa gạo phát triển ổn định, không rơi vào tình huống hiệu ứng đám đông kéo dài như thời gian qua, sự liên kết của nông dân - doanh nghiệp, doanh nghiệp - doanh nghiệp là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, với một đơn hàng thu mua lúa gạo Việt Nam thì trong nước có hơn 20 doanh nghiệp chào giá.

Vì vậy, nếu các doanh nghiệp không đồng lòng thống nhất giá bán ra thì doanh nghiệp dễ bị loại khỏi cuộc chơi khi chào giá cao hoặc ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ bị ép giá khi chào giá thấp. Do đó, muốn cân bằng và ổn định ngành hàng lúa gạo, các doanh nghiệp thống nhất giá từ khâu nguyên liệu đến xuất khẩu mới  đảm bảo được nguồn hàng hóa và tiêu thụ lâu dài.

Một điều quan trọng nữa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động thực hiện trong hơn 10 năm qua là để cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo thì cả 2 "mắt xích" chủ chốt này phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Hiện nay, cả nước cũng đã có nhiều mối liên kết trong ngành hàng lúa gạo như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát… đã tạo nên một vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động kinh doanh lúa gạo.

Ông Ngô Hữu Phát - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát chia sẻ, trong năm 2023 doanh nghiệp đã thực hiện liên kết thu mua và bao tiêu trên 600.000 tấn lúa ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chốt giá cố định với nông dân theo giá thị trường từ đầu vụ. Khoảng 10 – 15 ngày trước thời điểm thu hoạch, nếu giá lúa tăng, doanh nghiệp sẽ tăng 200 – 500 đồng/kg cho bà con nông dân. Thậm chí là tăng thêm gần 2.000 đồng/kg trong thời điểm giá lúa tăng cao thời gian qua.

Trường hợp giá lúa sụt giảm bà con nông dân cũng đồng thuận giảm giá một phần cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi doanh nghiệp đã nhận được lúa, sẽ hỗ trợ tiếp tục 50 đồng/kg để tạo động lực cho nông dân, hợp tác xã gắn kết với đơn vị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục