Bài toán chưa có lời giải cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc

06:30' - 30/11/2023
BNEWS Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đang phải hứng chịu “đợt rét đậm” kinh tế năm nay. Họ "loay hoay" không biết làm thế nào để tồn tại trong năm tới khi tình hình không có dấu hiệu cải thiện.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đang phải vật lộn để chống chọi với các yếu tố bất lợi khi giá nguyên liệu thô đầu vào tăng mạnh, trong khi chi phí lãi vay cũng đứng ở mức cao. Cùng với đó là các khó khăn từ trong nước như thiếu hụt nhân lực, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, khiến khả năng tái đầu tư không khả thi.

Giám đốc điều hành Taesung TIM Han Gwi-deuk, một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện và điện tử ô tô, cho biết các doanh nghiệp phụ tùng đang phải vật lộn để tồn tại và ngay cả khi tiếp tục kinh doanh, họ cũng phải đối với với tình trạng thua lỗ nặng.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Donga Ilbo cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tiến hành với các chủ tịch của 73 doanh nghiệp địa phương trên toàn quốc, có 44 trong số 71 người được hỏi (tương đương 62,0%) có quan điểm tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024. Trong số đó, có 15 người (tương đương 21,1%) cho rằng các nút thắt sẽ chuyển biến tốt hơn sau 2-3 năm; 9,9% các doanh nhân cho rằng dường như Hàn Quốc đang trong một cuộc suy thoái kéo dài.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đang phải hứng chịu “đợt rét đậm” kinh tế năm nay cho biết họ không biết làm thế nào để tồn tại trong năm tới khi tình hình không có dấu hiệu cải thiện. Các nhân tố tiêu cực tác động đến hoạt động kinh doanh vẫn tiếp diễn như khả năng sinh lời suy giảm do giá cả tăng, lãi suất cao, tình trạng thiếu lao động và khủng hoảng đầu tư, niềm tin kinh doanh sụt giảm.

Chủ tịch Phòng Thương mại Pyeongtaek Lee Bo-young cho biết tương lai kinh tế năm 2024 thực sự ảm đảm. Chỉ có 1% công ty lớn có khả năng cạnh tranh toàn cầu (như chất bán dẫn, ô tô và đóng tàu) sẽ phục hồi, nhưng 99% còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối tượng doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về đầu tư do thiếu cả nguồn lực tài chính và nhân sự.

Theo ông này, sở dĩ có tình trạng trên là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặp khó khăn về nguồn vốn trong suốt nửa đầu năm nay. Các khoản vay bổ sung bị chặn do không còn tài sản thế chấp, cùng với đó lãi suất vay tăng cao khiến các doanh nghiệp chịu áp lực lớn.

Các doanh nghiệp đóng tàu vừa và nhỏ, có thể nói là trụ cột của nền kinh tế khu vực Busan, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. Do giá nguyên liệu thô tăng cao và tình trạng thiếu lao động, tiến độ đóng tàu bị gián đoạn và chi phí ngày càng tăng. Do lợi nhuận ngày càng giảm, tất cả các đơn đặt hàng hiện tại đang rơi vào tình trạng thâm hụt.

Ngoài ra, sự cạnh tranh với các công ty Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt, song song với yếu tố bất ổn bên ngoài ngày càng gia tăng. Daesun Shipbuilding & Marine Engineering, một công ty đóng tàu vừa và nhỏ tiêu biểu tại Busan, đến cuối tháng Chín vừa qua có tỷ lệ nợ là 549%. Công ty này đã nộp đơn xin tái cơ cấu doanh nghiệp lên Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, ngân hàng chủ nợ chính hồi tháng 10.

Một quan chức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Busan cho biết: “Tình hình ngành đóng tàu ngày càng khó khăn, kéo theo khó khăn của các công ty sản xuất thiết bị đóng tàu như phụ tùng, thiết bị và lắp ráp.

Để các công ty có thể tự đứng vững trở lại, việc đảm bảo nguồn tài chính là cấp thiết, nhưng để vay được vốn với lãi suất cao cũng không phải là điều dễ dàng. Trong số 73 chủ tịch của các doanh nghiệp địa phương, có tới 71 người (tương đương 98,6%) trả lời rằng điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư đối với các công ty vừa và nhỏ là rất khó khăn.

Lee Jae-ha, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Daegu, cho biết những bất ổn trong lĩnh vực tài chính thế giới, các cuộc xung đột bên ngoài đã khiến giá dầu tăng vọt. Giá cả nguyên liệu đầu vào và việc Mỹ liên tục tăng lãi suất cơ bản là những biến số chính khiến môi trường kinh doanh trở nên khó khăn. Các công ty Hàn Quốc đang phải đối mặt với những yếu tố bất lợi cả bên trong và bên ngoài hơn bao giờ hết. Và tình trạng khủng hoảng hiện tại sẽ khó thay đổi trong thời gian ngắn.

Chủ tịch một doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay sự không chắc chắn về triển vọng trong kinh tế trong tương lai khiến các doanh nghiệp không thể quyết định tăng đầu tư ngay. Sự bất ổn của thị trường tài chính và khó khăn trong việc huy động vốn cũng là yếu tố khiến đầu tư chậm chạp. Để khôi phục sản xuất cần tái đầu tư nhưng trong bối cảnh hiện tại rất khó để thực hiện bước đi này nếu không chấp nhận gánh nặng lãi suất.

Tổng tiền đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm 2023 đã giảm mạnh. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, tổng tiền đầu tư của các công ty tư nhân phi tài chính trong nửa đầu năm 2023 là 80.700 tỷ won, giảm mạnh 72% so với mức 285.300 tỷ won cua cùng kỳ năm 2022.

Quy mô các khoản vay từ các tổ chức tài chính, bao gồm cả các khoản vay ngân hàng, là phương thức cấp vốn chính, đã giảm 1/3 từ 120.500 tỷ won trong nửa đầu năm ngoái xuống còn 37.400 tỷ won trong nửa đầu năm nay.

Trong số các chủ tịch doanh nghiệp địa phương, có tới 56,9% số người cho rằng cần thực hiện song song 2 giải pháp là giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp làm nhiệm vụ cần thiết nhất vào thời điểm này.  

Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp cho rằng cần có những chương trình cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Một chủ doanh nghiệp cho biết hầu hết tài sản thế chấp của các công ty đã đạt đến giới hạn và họ không đủ khả năng để có thể thế chấp và vay thêm. Vì thế, cơ quan chức năng cần có chính sách xem xét tiềm năng tăng trưởng trong tương lai và mạnh dạn giải ngân các khoản vay cho những doanh nghiệp có lợi thế.

Có nhiều ý kiến cho rằng cải cách lao động, bao gồm tăng tính linh hoạt trong việc làm và cải thiện hệ thống thuế doanh nghiệp như thuế doanh nghiệp và thuế thừa kế cũng là những vấn đề chính sách cấp bách.

Chủ tịch Phòng Thương mại Changwon Ja-cheon Koo cho biết, để thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và các khu vực ngoài đô thị đang ngày càng phát triển, cần phải tạo ra những điều kiện chưa từng có để hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực chưa phát triển hạ tầng.

Kim Dae-jong, Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong, nhận định mức lãi suất cao hiện tại dự kiến sẽ được duy trì cho đến ít nhất nửa đầu năm sau, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước tình huống rất khó khăn.

Ngoài quỹ chính sách của chính phủ và hỗ trợ thuế, các ngân hàng cũng cần tham gia vào tiến trình giảm gánh nặng lãi suất. Có như vậy, Hàn Quốc mới có thể mong đợi sự phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục