Bài toán khó của nước Nga

15:03' - 16/06/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 vẫn là vấn đề phức tạp đối với Nga nói riêng và thế giới nói chung.

Số ca mắc COVID-19 ở LB Nga trong khoảng 1 tuần trở lại đây có dấu hiệu tăng trở lại đã buộc nhiều địa phương tại đất nước rộng lớn nhất thế giới phải thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng.

Sau vài tháng khống chế được số ca mắc mới ở mức thấp, Nga ghi nhận hơn 14.700 ca nhiễm mới vào ngày 13/6, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 2 và là ngày thứ 11 liên tiếp số ca lây nhiễm tăng, riêng thủ đô Moskva có hơn 7.000 ca nhiễm.

Thực tế này cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn là vấn đề phức tạp đối với Nga nói riêng và thế giới nói chung.

Bài toán đặt ra là cần ứng phó với đại dịch như thế nào để vừa có thể bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời giữ cho nền kinh tế không bị ảnh hưởng quá lớn.

Với nước Nga đây cũng là một thách thức không nhỏ, dù cho có tiềm lực và nền tảng y tế mạnh.

Còn nhớ vào thời điểm tháng 4 và tháng 5/2020, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở LB Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để phòng chống virus SARS-CoV-2, cho phép người lao động được nghỉ giãn cách vẫn được hưởng lương.

Người dân được yêu cầu chỉ ở trong nhà, đường phố thủ đô Moskva vắng tanh.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, Chính phủ Nga có lẽ sẽ khó áp dụng các biện pháp phong tỏa kiên quyết như vậy khi tính tới những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đối với hoạt động kinh tế.

Để giải quyết vấn đề cân bằng giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế, các chuyên gia Nga đã đưa ra một loạt tiêu chí khoa học và nhiều nhận định.

Có quan điểm cho rằng, tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 không cao, vì thế không nên quá “đề cao” việc cách ly để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế.

Thậm chí, sau khi Nga đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân, một quan chức y tế cao cấp của Nga còn khẳng định trong tương lai, đại dịch COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh cúm thông thường.

Virus SARS-CoV-2 được xem là “đối thủ vô hình”, chính vì vậy chỉ có những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt mới có thể hạn chế được nó.

Tuy nhiên, nhưng biện pháp đó luôn đặt ra nhiều thách thức, không chỉ đối với nhà chức trách mà cả với người dân.

Ý thức chấp hành nghiêm chỉnh của người dân luôn là một tiêu chí rất quan trọng giúp phòng chống căn bệnh này một cách hiệu quả. Với nước Nga, vấn đề xoay quanh chiếc khẩu trang và tiêm vaccine.

Vào thời điểm đại dịch bùng phát năm 2020, người Nga thậm chí còn “dị ứng” với khẩu trang. Họ cho rằng chỉ những người ốm mới phải đeo khẩu trang và đây là chỉ dấu của những người mắc bệnh.

Tuy nhiên theo thời gian, cùng với những biện pháp phạt tiền nghiêm khắc của chính quyền và một phần là do đã nhiễm virus, người dân Nga từng bước nhận ra và có ý thức hơn nhiều trong việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, tâm lý chủ quan có lẽ đã xuất hiện khi nước Nga dường như hoàn toàn kiểm soát được đà lây lan.

Có lẽ chính khả năng "xoay xở" khá ấn tượng của nước Nga trong việc kiềm chế các đợt lây lan thời gian trước trước đã dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân, khiến cho tình hình diễn biến khôn lường.

Cũng cần lưu ý thêm rằng cho đến nay, LB Nga vẫn ở trong nhóm các nước có tỷ lệ lây nhiễm virus ở mức cao với số ca nhiễm mới hằng ngày luôn xấp xỉ 9.000 ca.

Mặc dù vậy, LB Nga vẫn có thể kiểm soát được tình hình khi số ca lây nhiễm trong ngày ở mức dưới 10.000 người nhờ hệ thống y tế mạnh, gồm các bệnh viện dã chiến đặc trị COVID-19 được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng khả năng chữa bệnh cho người dân, cùng với phương thức xử lý người bệnh hợp lý.

Hiện chỉ những bệnh nhân nặng mới phải nhập viện, còn những người bệnh thể nhẹ chỉ cần cách ly chữa bệnh tại nhà có bác sĩ theo dõi.

Theo thống kê của giới chức y tế LB Nga, có tới 70% số người mắc COVID-19 là ở thể nhẹ, nên việc đưa ra giải pháp ứng phó như trên được đánh giá là thích hợp, vừa giúp nhà nước đỡ tốn kém vừa giảm tải cho các bệnh viện.

Một vũ khí rất hữu hiệu phòng chống COVID-19 của nước Nga là vaccine. Nếu như ở nhiều nước khác chỉ có 1 loại vaccine thì hiện người dân Nga có thể lựa chọn tiêm tới 4 loại vaccine.

Điều nghịch lý là người Nga chưa tích cực đi tiêm phòng vaccine, một bộ phận cho rằng đã có "miễn dịch cộng đồng" do rất nhiều người đã mắc bệnh từ những đợt bùng phát dịch trước, một số lại có tâm lý ngại tiêm vaccine hoặc chưa tin tưởng vào vaccine.

Mới đây, thủ đô Moskva của Nga đã phải đưa ra phần thưởng là 5 chiếc ô tô để khuyến khích người dân đi chủng ngừa vaccine mũi đầu tiên.

Những người đi tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên từ ngày 14/6 đến ngày 11/7 sẽ được nhận số để tham gia quay xổ số với giải thưởng mỗi tuần là một chiếc ô tô trị giá 1 triệu ruble (hơn 13.800 USD).

Tuy nhiên, như lời Tổng thống Vladimir Putin, điều quan trọng là phải tuyên truyền, giải thích, tạo được ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cho người dân để họ tự giác tham gia tiêm chủng.

Năm ngoái, do tác động của đại dịch, nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa của Nga đã sụt giảm 3,1%, mức giảm sâu nhất trong 11 năm qua.

Cuối tháng 5 vừa qua, dựa trên kịch bản về số ca mắc COVID-19 giảm dần, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2021 lên 3,2% và duy trì tốc độ này sang năm 2022.

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lạc quan cho rằng nền kinh tế "xứ sở Bạch Dương" đã vượt qua khủng hoảng do dịch COVID và đang tiến gần đến mức trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Tuy nhiên, việc số ca mắc COVID-19 tăng trở lại đang đe dọa làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế Nga.

Nước Nga lại đối mặt với "bài toán khó" cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cho người dân và phát triển kinh tế trong đại dịch COVID-19, và có lẽ tôn chỉ "tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân" sẽ giúp chính quyền tìm ra lời giải hợp lý nhất./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục