Bain & Company: "Thập kỷ hoàng kim" của các tập đoàn Đông Nam Á đã khép lại

15:27' - 03/10/2023
BNEWS Lợi nhuận của các tập đoàn Đông Nam Á đang giảm mạnh, đánh dấu sự kết thúc "thời kỳ hoàng kim" của các doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.

Công ty tư vấn quản trị Bain & Company, có trụ sở chính tại Boston, Massachusetts (Mỹ) nhận định rằng, sau nhiều thập kỷ vượt trội so với các tập đoàn toàn cầu, các tập đoàn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã "đánh mất lợi thế" do phải vật lộn để đối phó với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lợi nhuận của các tập đoàn Đông Nam Á đang giảm mạnh, đánh dấu sự kết thúc "thời kỳ hoàng kim" của các doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, từng là một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế khu vực trị giá 3.600 tỷ USD.

Các tập đoàn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đánh mất lợi thế do phải vật lộn. Ảnh minh họa: Reuters

Theo nghiên cứu của Bain & Company, sau nhiều thập kỷ vượt trội so với các tập đoàn toàn cầu, các tập đoàn từ các quốc gia bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã "mất lợi thế”.

Bain & Company cho biết, đối với khoảng 100 tập đoàn trong khu vực có công ty mẹ hoặc ít nhất một công ty con niêm yết trên thị trường chứng khoán, tổng lợi nhuận trung bình hàng năm của cổ đông trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022 là 4%, giảm 24 điểm phần trăm so với thập kỷ trước đó.

Các tập đoàn hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như khai thác mỏ, bất động sản, viễn thông, ngân hàng và các lĩnh vực kinh doanh khác. Họ chiếm gần 1/3 ba chi tiêu vốn ở Đông Nam Á. Bain & Company cho biết, những lợi thế do quy mô, sự đa dạng hóa và mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ mang lại đã giảm sút khi nền kinh tế khu vực trưởng thành.

 

Nhiều công ty phải vật lộn với môi trường suy thoái kinh tế toàn cầu và quá trình số hóa, thậm chí còn thiếu sự nhanh nhẹn để điều hướng trước đại dịch COVID-19.

Jean-Pierre Felenbok, Chủ tịch Bain & Company ở Đông Nam Á, cho biết đây là “sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim” đối với các tập đoàn truyền thống, vốn chiếm 17% vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trong khu vực. Ông Felenbok nói: “Thời đại đó đã qua và tôi không nghĩ nó sẽ quay trở lại. Họ bị bất ngờ vì tốc độ tăng trưởng chậm lại và gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường tăng trưởng kém sinh lời hơn, và sau đó là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19”.

Nghiên cứu của Bain, được công bố ba năm một lần, cho thấy tổng lợi nhuận cổ đông hàng năm của các tập đoàn Đông Nam Á trong thập kỷ tính đến năm 2022 đã giảm 63% so với thập kỷ tính đến năm 2020. Nghiên cứu này là một bài kiểm tra thực tế đối với các tập đoàn trong khu vực và các gia đình giàu có sở hữu chúng.

Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính EY cho biết các tập đoàn Đông Nam Á là những "ngoại lệ" trên toàn cầu trong những năm 2000. Tổng lợi nhuận trung bình hàng năm của các cổ đông tại Đông Nam Á trong 10 năm, từ năm 2002 đến năm 2011, của các tập đoàn ở Đông Nam Á là 34%, so với mức tương ứng 14% của các tập đoàn ở phần còn lại của thế giới.

Ông Felenbok cảnh báo rằng lợi nhuận giảm có tác động tới tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Ông nói: "Các tập đoàn là những tác nhân lớn đối với nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và nếu họ làm không tốt, tác động kinh tế sẽ thể hiện rõ rệt”.

Trong số những công ty hoạt động kém nhất theo phân tích giá cổ phiếu trong giai đoạn này có Boustead, một trong những tập đoàn đa ngành lâu đời nhất của Malaysia; Lopez Holdings, tập đoàn ngân hàng Philippines; và Lippo Group, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất khu vực đến từ Indonesia. Các tập đoàn thuần túy - những tập đoàn có 80% hoạt động trong một ngành - có tổng lợi nhuận cổ đông trung bình hàng năm là 11% trong thập kỷ qua, vượt trội đáng kể so với nhóm tập đoàn đa ngành. Bain & Company cho biết, điều này trái ngược với tình hình 10 năm trước.

Nhìn từ bài học của các tập đoàn chuyên ngành, Bain & Company lưu ý các doanh nghiệp đa ngành "nên tiếp tục tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình để đảm bảo vị trí chiến lược, cũng như bù đắp sự xói mòn lợi thế của mô hình đa ngành". Thực tế, 44% tập đoàn thuộc nhóm đầu đều là người đi đầu trong mảng kinh doanh chính của họ.

Bain & Company nhận định rằng, việc tuyển dụng nhân tài khó hơn và các chính phủ cảnh giác hơn với các công ty đang phát triển mạnh mẽ cũng tạo rào cản cho hoạt động của các tập đoàn khu vực.

Ông Till Vestring, đối tác tư vấn của Bain & Company, nói: "Một số tập đoàn đa ngành đã duy trì hoạt động tốt bằng cách mở rộng sang các lĩnh vực như kinh doanh xanh, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe, bao gồm tập đoàn Adaro ở Indonesia, Phinma ở Philippines, Emtek ở Indonesia và Tập đoàn VinGroup của Việt Nam.

Lợi nhuận của một số tập đoàn đã được cải thiện sau khi họ chia tách hoạt động kinh doanh của mình, chẳng hạn như Sime Darby Berhad của Malaysia, đã tách thành ba công ty vào năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục