Bàn cách tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam

20:09' - 31/03/2021
BNEWS Ngành tôm đã đẩy mạnh cải tiến công nghệ và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, song chi phí sản xuất vẫn cao hơn từ 10 - 15% so với "đối thủ" cạnh tranh như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…

 

Chiều 31/3, tại tỉnh Cà Mau, Liên minh Tôm sạch Việt Nam (VSSA) đã tổ chức chương trình tham vấn chiến lược phát triển VSSA giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), thị trường tôm toàn cầu trị giá khoảng 40 tỷ USD. Trong số đó, giá trị thương mại tôm ước tính đạt 28 tỷ USD/năm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) nuôi ở châu Á và Mỹ Latinh.

Sản lượng tôm nuôi toàn cầu ước tính sẽ tăng với tốc độ 6% hàng năm. Ngoài ra, nhu cầu tôm thế giới đang tăng nhanh chưa từng có, tăng tới 359% trong giai đoạn 2000 - 2015 từ 1,13 triệu tấn lên 4,87 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, thị trường Trung Quốc với tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang là thị trường tiêu thụ lớn của tôm Việt Nam; trong đó, tôm thẻ chân trắng đông lạnh có mức tiêu thụ tăng rất nhanh vì giá cả phù hợp và là lựa chọn của nhiều hộ gia đình ở quốc gia tỷ dân này. Năm 2020 dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID -19, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng 10%/năm, đạt 600 triệu USD.

Theo dự báo của GOAL, sản lượng tôm năm 2021 sẽ đạt gần 5,3 triệu tấn, tăng 11% so với gần 4,7 triệu tấn trong năm 2018. Chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau đã có hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó có hơn 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của Việt Nam. Sản lượng tôm hàng năm của Cà Mau đạt khoảng 180.000 tấn, chiếm 22% tổng sản lượng tôm toàn quốc. Kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau ước đạt 1,2 tỷ USD năm 2020, xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giai đoạn vừa qua, ngành tôm đã đạt được những bước phát triển đáng kể, nhưng thương hiệu tôm Việt Nam chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường thế giới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường và xã hội. Ngành tôm đã đẩy mạnh cải tiến công nghệ và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, song chi phí sản xuất vẫn cao hơn từ 10 - 15% so với "đối thủ" cạnh tranh như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc còn yếu; kết nối chuỗi cung ứng và hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi còn chưa chặt chẽ; môi trường nuôi thủy sản xuống cấp do tác động của nuôi, chế biến thủy sản; tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp, ảnh hưởng đến vùng nuôi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Công ty Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Phó Chủ tịch VSSA cho rằng, thực tế không thể phủ nhận hiện nay đang mất đi những lợi thế về chế biến. Ví như chi phí sản xuất cao hơn 40% so với các nước đang là bài toán khó. Thực trạng sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, việc thực hiện các thủ tục truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn…  đang là rào cản khiến con tôm của Việt Nam dần mất đi lợi thế cạnh tranh.

Do đó, VSSA cho rằng ngành tôm Cà Mau cũng như Việt Nam cần xây dựng một liên minh, một tổ chức ngành nhằm điều phối các bên liên quan, huy động nguồn lực và chia sẻ trách nhiệm phát triển ngành bền vững về mặt môi trường, xã hội, hiệu quả kinh tế và thương mại.

Tại hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giáp, thành viên nhóm tư vấn xây dựng chiến lược VSSA đánh giá, Liên minh tôm sạch Việt Nam sẽ dẫn dắt ngành tôm Cà Mau đạt vị trí dẫn đầu thị trường khu vực và thế giới về chất lượng, bền vững môi trường và trách nhiệm xã hội thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ mới và cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho ngành tôm.

Theo đó, VSSA đề ra 4 mục tiêu chiến lược, tập trung vào nâng cấp vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ mới vào khâu nuôi, chế biến và cung ứng; mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Trên cơ sở dự báo triển vọng thị trường, thông tin về tiềm năng và lợi thế của ngành tôm Cà Mau cũng như Việt Nam từ nhóm chuyên gia tư vấn khung chiến lược VSSA, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch VSSA cho rằng, sứ mệnh của Liên minh là phải xây dựng và phát triển ngành hàng tôm trở thành ngành công nghiệp năng động, công bằng theo kịp xu thế phát triển toàn cầu.

Theo đó, với vai trò dẫn dắt, cần có chiến lược khả thi, phù hợp theo từng giai đoạn, hài hòa lợi ích trong nước và quốc tế, chú trọng tăng trưởng ngành hàng có chứng nhận theo chuỗi cung ứng, áp dụng đổi mới công nghệ…

Tại hội thảo, các thành viên VSSA đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện khung chiến lược; các giải pháp chính nhằm kiện toàn vai trò, trách nhiệm của Liên minh… Qua đó, quyết tâm đưa ngành tôm tiếp tục đứng đầu cả về sản lượng, năng lực chế biến, kim ngạch xuất khẩu, mang lại lợi ích hài hòa giữa các bên trong chuỗi sản xuất.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục