Bàn cơ chế thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam

17:27' - 16/07/2025
BNEWS Nông nghiệp tuần hoàn là yêu cầu bắt buộc,, vừa là động lực, với chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khi nhà kính

Chiều ngày 16/7 tại Hà Nội, Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong ngành cùng báo giới tham dự 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế; trong đó, có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái. Trong bối cảnh tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội và sức ép về việc ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thông minh càng cấp thiết. Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là bước đi tất yếu của Việt Nam.  

Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.. Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp hiện đang áp dụng các giải pháp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chuyển từ tư duy kinh tế tuyến tính sang tư duy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu nông nghiệp xanh, môi trường xanh trong nền kinh tế xanh.

Tư duy kinh tế tuần hoàn không chỉ là một chiến lược sản xuất nông nghiệp, mà còn là một triết lý quản lý tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với mục tiêu giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị các nguồn lực đa dạng, tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

 

Lãnh đạo VCCI chia sẻ mong đợi, đại diện các bộ ngành, các hiệp hội, chuyên gia cũng như doanh nghiệp sẽ thẳng thắn trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, hợp tác giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân trong phát triển kinh tế tuần hoàn ngành nông nghiệp. Qua đó, tổng hợp các ý kiến để báo cáo Chính phủ nhằm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Bàn về cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho rằng, kinh tế nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã trở thành xu thế tất yếu.

Thời gian qua đã có một số tổ chức doanh nghiệp và người dân áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm tối ưu hoá các quy trình sản xuất như: ứng dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ và chất thải chăn nuôi, sản xuất rau, lúa hữu cơ,…  góp phần giảm chi phí giá thành phân bón, tạo ra các dòng sản phẩm lúa gạo hữu cơ sạch và an toàn, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất đại trà; trong đó nổi bật như mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ tại một số địa phương ở vùng Trung du, đồng bằng Bắc Bộ và một số địa phương Tây Nam Bộ. Các ứng dụng này đã góp phần gia tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo khoảng 15% so với mô hình sản xuất tuyến tính.

Mặc dù tiềm năng lớn, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng còn gặp những tồn tại và khó khăn nhất định. Theo đó, vẫn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể; khó khăn tiếp cận vốn và công nghệ, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện đầu tư công nghệ tái chế, xử lý chất thải; thiếu liên kết vùng và chuỗi giá trị, bởi doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan; thêm vào đó, nhận thức và trình độ quản trị còn hạn chế, trong khi kinh tế tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đổi mới quản lý và sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam, cũng là Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ, phần lớn các mô hình kinh tế tuần hoàn hiện còn mang tính tự phát, thiếu liên kết vùng, thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ về vốn, kỹ thuật và đầu ra thị trường.  Việc phát triển tuần hoàn vẫn còn rời rạc, chưa hình thành chuỗi khép kín từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ và tái tạo tài nguyên.

Do vậy, việc cần làm đầu tiên là tái sử dụng phụ phẩm sau thu hoạch, xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ: Từ các doanh nghiệp sản xuất giống, sản xuất gạo, đến chế biến sâu và tiêu thụ, cần hình thành chuỗi giá trị liên kết khép kín. Việc liên kết này giúp giảm chi phí, kiểm soát chất lượng, minh bạch truy xuất nguồn gốc vì những yếu tố này ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ vào toàn bộ quy trình sản xuất;  đầu tư vào chế biến sâu và công nghệ bảo quản hiện đạ, thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô, cần tập trung phát triển các dòng sản phẩm cao cấp từ gạo như: gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bánh, sữa gạo, mỹ phẩm,… Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, ThaiBinh Seed xác định rõ vai trò của mình không chỉ là nhà cung cấp giống, mà là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tuần hoàn ngành lúa gạo.

Chia sẻ thực tiễn triển khai tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho hay, Tiến Nông đã sở hữu và ứng dụng nhiều sáng chế độc quyền trong sản xuất phân bón và tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất phân bón thân thiện môi trường, chủ trương sản xuất tuần hoàn và không phát sinh nước thải, đầu tư năng lượng tái tạo - giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ người lao động chuyển đổi xanh, chuyển đổi số - kiểm soát chuỗi giá trị xanh và tái chế, phân loại rác thải - hành động từ gốc rễ và huẩn bị cho cơ chế tín chỉ carbon - tiếp cận kinh tế tuần hoàn toàn diện....

Nhân diễn đàn, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Phong kiến nghị, xây dựng cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng xanh cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, thành lập trung tâm tư vấn chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nông nghiệp; cuối cùng, phải tập trung tăng cường cơ chế liên kết “3 nhà”: doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông. Bởi, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn không phải là một phong trào nhất thời, mà là một xu thế tất yếu, đòi hỏi tư duy chiến lược, sự kiên định và hành động cụ thể từ mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân và toàn xã hội.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục