Bàn giải pháp thúc tiến độ các dự án vành đai hai đầu tàu kinh tế

15:26' - 04/05/2022
BNEWS Tại toạ đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá” các đại biểu cho rằng cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Ngày 4/5, tại Hà Nội Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá".

Tại buổi tọa đàm khách mời đã tập trung thảo luận liên quan đến dự án đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là các công trình cơ sở hạ tầng và cũng là cao tốc đô thị, kết nối 2 trung tâm kinh tế, 2 vùng động lực kinh tế lớn nhất nước. 

Nhấn mạnh vai trò cũng 2 dự án khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước, với mục tiêu đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, thời điểm hiện nay đã chín muồi để thực hiện. Cùng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ thực tiễn cấp bách, không chỉ là quan điểm hiện nay mà còn là quan điểm hướng tới tương lai.

“Hai trung tâm kinh tế lớn suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai. Việc đưa ra quyết định phải làm 2 tuyến đường của Chính phủ thể hiện tầm nhìn khác trước", ông Trần Đình Thiên chia sẻ.

Hiện dự án đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông. Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia nhằm phát triển vùng Thủ đô và vùng Tp. Hồ Chí Minh - hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất cả nước không chỉ đáp ứng mục tiêu kinh tế mà cả mục tiêu nâng tầm phát triển đô thị.

"Sau thời gian 2 năm COVID-19, chúng ta phục hồi lại thì cần mượn sức này tạo ra đột phá và thời điểm này có giá trị thúc đẩy rất lớn. Tôi thực sự chia sẻ nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra chương trình này và hy vọng phải có cách tiếp cận quyết liệt", ông Thiên cho hay.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, đây cũng là 2 dự án lớn, có phạm vi rộng và tác động ảnh hưởng đến rất nhiều địa phương. Do đó, bên cạnh khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì cũng cần một lượng vốn rất lớn để triển khai thực hiện dự án. Điều đó đòi hỏi bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan thì cũng cần sự linh hoạt trong phối hợp của các địa phương liên quan trong triển khai các dự án. 

Để đẩy nhanh thực hiện dự án, ông Trần Đình Thiên đề xuất, cần phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhiều hơn. Đây thực chất cũng là giao trách nhiệm cho địa phương thể hiện năng lực và thúc đẩy triển khai dự án.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, để đẩy nhanh dự án thì vấn đề giải phóng mặt bằng là yêu cầu then chốt. Theo đó, bên cạnh sự chỉ đạo của các cơ quan liên quan thì các địa phương cũng cần sự sự tương hỗ lẫn nhau trong triển khai dự án.

Thực tế với dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, trên tổng số vốn ngân sách địa phương là 28.000 tỷ đồng thì Hà Nội đã chiếm tới hơn 20.000 tỷ đồng. Đó là sự thể hiện hỗ trợ của Hà Nội đối với các địa phương liên quan trong thực hiện dự án.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, dự án đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đã kiến nghị cơ chế đặc thù trên cơ sở triển khai cao tốc phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép.

Theo đó, đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã xin phép cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án.

Đồng thời, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Cùng đó,  Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.

Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, trước hết phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện, như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có ý kiến, giao hai thành phố này chủ trì, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

"Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Bên cạnh đó, về cơ chế chỉ định thầu, Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần. 

Các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định đến khi hoàn thành dự án, trình tự thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành. Đây là điểm mới, trong thực tiễn tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, chỉ định thầu cho phép áp dụng trong 2 năm 2022-2023.

Về vấn đề khai thác khoáng sản và làm vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, thông thường để thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Việc khai thác khoáng sản quy định được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Đối với địa phương, ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản vật liệu thông thường làm hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản ở các địa phương có dự án đi qua.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, đối với dự án vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư là 35.370 tỷ, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81% tức 61.000 tỷ đồng.

Để bảo đảm giải ngân, sau khi có cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, linh hoạt vốn, thì phải chuẩn bị giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm trước đây triển khai các dự án lớn, cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, kinh nghiệm triển khai các tuyến cao tốc, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, cơ chế điều phối chuẩn bị kỹ, chuẩn bị các nguồn vật liệu chất lượng, đủ trữ lượng, tổ chức kiểm tra giám sát từng mỏ, tổ chức thí nghiệm vật liệu trên công trường có tham vấn của chuyên gia, cũng như Bộ Giao thông Vận tải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục