Bàn hợp tác trong trồng trọt giữa Hà Lan và Việt Nam

17:45' - 11/04/2019
BNEWS Hiện nay, Việt Nam hiện có 7 sản phẩm trồng trọt có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/ năm; trong đó có 4 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là lúa gạo, cà phê, hạt điều và trái cây.
Các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan trao đổi, trao đổi kinh nghiệm về ngành trồng trọt. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Chiều 11/4 tại Tp. Hồ Chí Minh, Phái đoàn Thương mại Kinh tế Hà Lan phối hợp với Tổ chức GrowAsia và Công ty Triển lãm VNU châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị “Tương lai ngành trồng trọt: Công nghệ tương lai – Tầm nhìn hôm nay” nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt giữa Hà Lan và Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam; trong đó, trồng trọt là chủ yếu với 75% giá trị sản lượng nông nghiệp.

Việt Nam hiện có 7 sản phẩm trồng trọt có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/ năm; trong đó có 4 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là lúa gạo, cà phê, hạt điều và trái cây. Ngành trồng trọt đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt khoảng 2 – 2,5%/ năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam nói chung và trồng trọt nói riêng là ngành dễ bị tổn thương và nhiều rủi ro. Hiện, ngành nông nghiệp đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các ngành khác về nhân lực, đất đai. Việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; áp dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế, chưa đạt được đột phá để tăng giá trị gia tăng…

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Hà Lan có nền nông nghiệp rất phát triển với nhiều kinh nghiệm trong đổi mới sản xuất, đầu tư kinh doanh nông nghiệp, cách thức ứng dụng thành quả khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Đây là cơ sở để Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và áp dụng vào sản xuất để phát huy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan sẽ thúc đẩy phát triển các dự án kỹ thuật trong nông nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam theo hình thức FDI hoặc đối tác công tư PPP.

Chia sẻ về phát triển nông nghiệp tại Hà Lan, bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan cho biết, ngành trồng trọt chiếm tỷ lệ rất lớn trong sản lượng xuất khẩu nông sản của Hà Lan. Để duy trì vị trí, Hà Lan liên tục đầu tư vào các phương pháp, công nghệ mới và cách quản trị tiến bộ nhất; tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ nông trại đến siêu thị và tới tay người tiêu dùng.

Theo bà Marjolijn Sonnema, Hà Lan có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm cũng như công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác như Việt Nam. Các dự án hợp tác cũng đã được triển khai với rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan hoạt động tại Việt Nam, nhất là hợp tác tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp Hà Lan đã chia sẻ về các công nghệ phục vụ sản xuất; phương pháp xây dựng chuỗi giá trị cung ứng; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch… đang được áp dụng tại Hà Lan và nhiều nước trên thế giới.

Bà Meiny Prins, Nhà sáng lập PRIVA cho rằng, xu hướng hiện nay là sự thay đổi công nghệ liên tục trong chuỗi sản xuất. Các công nghệ ngày nay có giá thành tương đối rẻ, dễ tiếp cận và thân thiện hơn với người dùng. Trong xu thế này, bất kỳ doanh nghiệp nào không tạo ra sự thay đổi thì có thể sẽ không còn tồn tại trong vòng 10 năm tới.

Trong khi đó, ông Jean Marie Rozec, Giám đốc điều hành Công ty Rijk Zwaan Việt Nam nhìn nhận, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân và nhà phân phối. Trong hệ thống hiện đại thì việc này tương đối tốt với chuỗi cung ứng, nhưng trong hệ thống nông nghiệp truyền thống lại chưa tốt.

Do đó, cần đưa vào sản xuất trồng trọt các giống mới có chất lượng tốt, áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại để sản phẩm tới tay người tiêu dùng (theo nông nghiệp truyền thống) đạt chất lượng tốt nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục