Đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Trồng trọt

12:16' - 09/11/2018
BNEWS Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Trồng trọt cần phải khắc phục được tình trạng giống cây trồng và phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường như hiện nay.
Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Trồng trọt cần phải khắc phục được tình trạng giống cây trồng và phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường như hiện nay. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) cho rằng, Luật Trồng trọt rất cần thiết phải ban hành, bởi Luật này sẽ giúp định hướng cho người nông dân trồng cây gì cho phù hợp từng vùng miền, đảm bảo chất lượng, năng suất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế. Hiện nay, người nông dân đang trồng trọt theo kiểu định tính "mạnh ai ấy làm", do đó tình trạng "được mùa, mất giá" vẫn thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng giống cây trồng chưa được quản lý chặt chẽ, trong khi đó có rất nhiều các loại giống lại được nhập khẩu. Chính vì vậy, Luật Trồng trọt cần tập trung vào các quy định để làm sao quản lý được vấn đề về giống cây trồng. Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý khi định hướng cho người nông dân sản xuất trồng cây gì thì cũng phải đảm bảo đầu ra cho người dân yên tâm sản xuất. Từ đó, tránh tình trạng "được mùa, mất giá" như đã xảy ra lâu nay.

Liên quan đến vấn đề phân bón, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón vô cơ giúp cây trồng tăng trưởng tức thời và không giữ được chất trong đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp sau này. Trong khi đó, người nông dân lại không phân biệt được rõ ràng các loại phân bón nên đã xảy ra tình trạng nông dân mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây thiệt hại rất lớn.

Tại Luật Trồng trọt lần này đã có các quy định hạn chế phần nào tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường; trong đó, có các quy định gần như là cam kết của cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng phân bón trên thị trường như hiện nay.

Theo đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh), hiện nay, vẫn còn tình trạng gian lận thương mại như: sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm sản xuất nông nghiệp theo kiểu "rau 2 luống, lợn 2 chuồng" đây là những vấn đề cần phải được đưa vào dự án Luật lần này để có giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở để có thể trực tiếp quản lý những vấn đề đó. Có những điều không phải ở cấp quản lý mà cần phải quy định ở những cấp cơ sở xử lý gắn với quá trình tổ chức sản xuất hay thực hiện những nội dung như: phân bón, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thương mại trong trồng trọt.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Còn theo đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận), trong dự thảo Luật Trồng trọt có thiết kế nhiều chính sách, tuy nhiên quan trọng là việc bố trí nguồn lực như thế nào trong triển khai cũng như các điều kiện, thủ tục thuận lợi để các tổ chức và nông dân tiếp cận được chính sách mới là quan trọng.

Hiện nay, phần lớn sản xuất nông nghiệp vẫn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ cho nên khi bán rất tản mạn. Trong khi đó, thương lái có thị trường lớn thu gom hàng hóa và đi bán có địa chỉ rất rõ ràng thì thương lái thắng còn nông dân thua thiệt.

Vì vậy, cần phải có những nội dung quan tâm đến phát triển thị trường, dự báo thị trường, thông tin hướng dẫn cho nông dân làm sao sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không thể có tình trạng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào cuối cùng cung vượt cầu, thị trường không giải quyết đầu ra được, gây thiệt hại lớn cho nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục