Bang California luật hóa vai trò lãnh đạo của nữ giới

11:37' - 01/10/2018
BNEWS California đã trở thành bang đầu tiên tại Mỹ yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải có nữ giới trong ban giám đốc.

California đã trở thành bang đầu tiên tại Mỹ yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải có nữ giới trong ban giám đốc, một trong những luật mới nhằm khuyến khích hoặc bảo vệ nữ giới mà Thống đốc bang Jerry Brown ký ngày 30/9.

Theo đó, từ nay tới cuối năm 2018, mỗi tập đoàn đã niêm yết, có trụ sở tại California, sẽ phải có một thành viên ban giám đốc là phụ nữ.

Các công ty cũng được yêu cầu tới cuối năm 2021, phải có 3 nữ giám đốc tùy theo số vị trí trong ban quản trị. Luật được áp dụng với các công ty có văn phòng quản trị đặt tại California.

Công ty không tuân thủ sẽ bị phạt 100.000 USD trong lần vi phạm đầu tiên và 300.000 USD cho các lần vi phạm tiếp theo.

Luật cũng yêu cầu các công ty phải báo cáo thành phần ban quản trị với giới chức nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt 100.000 USD.

Đây là một trong số các biện pháp có ảnh hưởng rõ rệt tới nữ giới mà Thống đốc Brown ký ngày 30/9. Ông cũng ký thông qua luật cấm thỏa thuận ngầm liên quan tới các hành vi lạm dụng hay tấn công tình dục và yêu cầu các công ty sau khi tuyển dụng phải cung cấp các khóa huấn luyện nữ nhân viên kỹ năng tự vệ trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục.

Tác giả của luật này cho rằng nếu phụ nữ có quyền lực hơn thì tình trạng tấn công hay lạm dụng tình dục nơi công sở sẽ được giảm thiểu.

Ngoài ra, việc có thêm phụ nữ trong ban giám đốc sẽ giúp công ty thành công hơn vì phụ nữ có khả năng hợp tác và làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc tốt hơn đàn ông.

Hiện, 1/4 số doanh nghiệp công có trụ sở tại California không có nữ giới trong ban giám đốc và những công ty này cũng chưa hành động đủ để tăng số nữ lãnh đạo trong ban quản trị nên việc chính quyền can thiệp là điều thích hợp.

Tuy nhiên, luật vấp phải sự phản đối của một số tổ chức khi cho rằng việc quyết định thành phần ban giám đốc là việc nội bộ, chính quyền không nên can thiệp. Hiện ở một số quốc gia châu Âu như Na Uy hay Pháp đều đã áp dụng luật này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục