Báo cáo Chính phủ về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

13:15' - 30/09/2017
BNEWS Tiếp tục Phiên họp lần thứ bảy, sáng 30/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Theo dự thảo Báo cáo về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011 – 2015.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ chế chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện; các hoạt động nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử được triển khai đồng bộ, hiệu quả; nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, mặc dù việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể, việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức; nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh về phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, xâm hại tình dục chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong xã hội.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đề ra thì chỉ có 7 chỉ tiêu có khả năng đạt vào năm 2020 và có đến 16 chỉ tiêu dự kiến khó có khả năng đạt hoặc chưa đánh giá được. Qua triển khai thực hiện cho thấy, một số chỉ tiêu không còn phù hợp, mang tính định hướng, không sát thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Sơn, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định, một số bộ, ngành, địa phương chưa nhìn thấy bình đẳng giới thực sự là nguồn lực cho phát triển, vì thế chưa có sự quan tâm thoả đáng cho công tác này tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Ngoài ra, tư tưởng “cố vị” trong một bộ phận cán bộ là nam giới đã tạo ra những rào cản không nhỏ để phụ nữ khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, hiện chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra bộ, ngành, các tỉnh về việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; vì thế chưa chỉ ra được địa phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa tốt để từ đó khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Báo cáo của Chính phủ phải nêu bật được hiệu quả thực hiện công tác bình đẳng giới tại các đơn vị, đồng thời Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cần tổ chức giám sát, từ đó kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương có hình thức xử lý những nơi làm chưa tốt chính sách đối với cán bộ nữ.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, kinh phí triển khai các hoạt động bình đẳng giới, lồng ghép giới còn rất hạn hẹp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; định kiến giới còn tồn tại là nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại địa phương, cơ sở.

Từ thực tế này, các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc ban hành văn bản và hướng dẫn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

Đối với ngân sách dành cho công tác bình đẳng giới, Chính phủ cần lựa chọn ưu tiên và tập trung ngân sách thực hiện một số chỉ tiêu trong các năm tiếp theo để đảm bảo kết thúc Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đạt một số kết quả.

Tại phiên họp sáng 30/9, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng giám sát tình hình thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011 – 2016); giám sát tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ; cho ý kiến về dự kiến triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thuộc lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội.

Các đại biểu đã cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2018; dự kiến kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2018 – 2020 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cho ý kiến về kết quả thực hiện lời hứa về các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm quản lý của Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

>>>Việt Nam tham dự Hội nghị ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục