Báo chí Pháp sau đại dịch COVID-19

10:59' - 13/06/2020
BNEWS Vốn đã suy yếu trong nhiều năm qua và đứng trước yêu cầu phải tái cấu trúc, thời gian gần đây báo chí Pháp còn đối mặt thêm với những khó khăn kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nhận định của ông Christian Delporte, Giáo sư lịch sử và là người đứng đầu tạp chí Le Temps des médias, cho rằng báo chí đang trải qua một thời kỳ suy giảm kéo dài.

Từ những tờ tin tức hằng ngày như Parisien, Libération, Paris-Normandie đến các tờ chuyên đề thể thao như L’Equipe và Paris Turf, hoặc báo tuần dành cho phụ nữ Grazia, tạp chí tháng chuyên về khoa học La Recherche… đều không tránh khỏi việc phải thực hiện các dự án tái thành lập, tiếp quản, sang nhượng hoặc giảm số lượng nhân viên để ứng phó với những khó khăn hiện tại.

Ông Jean-Clément Texier, chủ tịch tập đoàn truyền thông Ringier France, nhận định trong nhiều năm qua, ngành báo chí Pháp đã chênh vênh bên bờ vực và có nguy cơ "sẽ rơi xuống sâu đến mức không thể quay trở lại".

Trong thời gian phong tỏa quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, người dân Pháp hiếm khi đi mua báo dù các quầy báo được phép mở cửa, khiến doanh số bán báo giấy của 7 tờ nhật báo lớn ở Pháp đều giảm.

Theo Liên minh phát hành báo chí và truyền thông ACPM-OJD, tổng doanh thu báo chí hằng ngày của Pháp trong tháng 4 vừa qua đã giảm 5,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo L’Equipe thậm chí ước tính doanh số bán báo giấy sụt giảm 60% trong giai đoạn từ giữa tháng 3-tháng 6.

Trong bối cảnh này, các tòa soạn đã tích cực thực hiện các giải pháp thay thế để thu hút độc giả. Ông Marc Feuillée, Tổng giám đốc tờ Le Figaro và chủ tịch Công đoàn nhật báo quốc gia, cho rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội tốt để các cơ quan truyền thông thể hiện năng lực kỹ thuật số.

Thực tế cho thấy số lượng đặt báo trực tuyến gia tăng đáng kể như đối với tờ Les Echos (tăng 4,21%) và Le Monde (tăng 11,74%) trong tháng 4. Trong những tháng tới, việc giữ chân những người đặt báo mới này thực sự là thách thức khi nhu cầu thông tin, vốn tăng vọt trong cuộc khủng hoảng y tế, dự kiến sẽ trở lại mức bình thường.

Ông Marc Feuillée cho rằng cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để đem lại những lợi ích cho độc giả. Thế giới số đang bước vào một "cuộc cách mạng" và báo giấy có nguy cơ biến mất cho dù điều đó có thể không sớm xảy ra.

Về mặt kinh tế, báo chí Pháp đang ở tình trạng "đáng lo ngại" - như nhận định của ông Jean-Michel Baylet, Tổng giám đốc tập đoàn La Dépêche và chủ tịch Liên minh báo chí và thông tin.

Ông Baylet cho biết, trong thời gian qua, doanh thu phát hành báo giảm tới 80% trong khi sự kiện giảm 100%. Điều này càng làm gia tăng áp lực đối với báo chí Pháp vốn đang chật vật trong cuộc cải cách tái cơ cấu kéo dài từ nhiều năm nay.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế báo chí, cuộc khủng hoảng y tế chính là thời điểm để ngành này xem xét lại tất cả các thực tiễn.

Nhiều người lạc quan báo chí trong tương lai có thể thu nhiều lợi nhuận hơn khi áp dụng mô hình làm việc từ xa, vốn được các tòa soạn báo thực hiện rất hiệu quả trong đợt phong tỏa quốc gia vừa qua, giúp giảm đáng kể các chi phí./.

>>>"Gã khổng lồ" truyền thông Australia ngừng xuất bản hơn 100 tờ báo in

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục