Bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc - Bài 3: Kinh nghiệm quốc tế dành cho Việt Nam

09:00' - 23/12/2022
BNEWS Tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc để rút ra bài học phù hợp cho Việt Nam.

Tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc để rút ra bài học phù hợp là một cách để Việt Nam rút ngắn thời gian xây dựng và vận hành hệ thống sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch cho riêng mình.

* Mỹ: Minh bạch về nguồn gốc thực phẩm

Minh bạch để có thể truy xuất nhanh nguồn gốc của thực phẩm. Tính minh bạch được thể hiện rõ ở các quy định về ghi nhãn thực phẩm nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng.

Pháp luật về an toàn thực phẩm của Mỹ sử dụng phương thức điều chỉnh như sau: Cấm quảng cáo, ghi nhãn gian dối, sai sự thật; buộc công bố những thông tin cần thiết về sản phẩm trên nhãn hàng hóa.

 

Tính minh bạch còn thể hiện ở quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm về việc thiết lập một cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin về thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cơ quan nhà nước, người tiêu dùng cũng có thể đăng tải thông tin, nhằm thúc đẩy việc trao đổi, cung cấp thông tin về thực phẩm không an toàn.

Tính truy xuất là để truy nhanh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu làm ra thực phẩm và nhận diện khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm có vấn đề, kịp thời thu hồi sản phẩm lỗi ra khỏi các kênh phân phối trên thị trường.

Luật An toàn thực phẩm hiện đại năm 2011 (FSMA) của Mỹ chuyển trọng tâm từ ứng phó sang tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro. Các cơ sở cung ứng thực phẩm phải lập và triển khai kế hoạch kiểm soát phòng ngừa, đánh giá rủi ro và đề ra các biện pháp hạn chế, khắc phục một cách cụ thể.

Điều này buộc các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải có ý thức và trách nhiệm cao hơn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Họ phải tự nhận diện những mối nguy (có thể gây mất an toàn) trong quá trình sản xuất của mình.

Một giải pháp phổ biến nữa để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở Mỹ là thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm trong siêu thị.

Luật pháp Mỹ cũng quy định các biện pháp thực thi phải đa dạng, có sự phối hợp liên ngành, đa cấp giữa nhiều cơ quan trong chính quyền liên bang, bang và địa phương, giữa chính phủ trong nước và chính phủ nước ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư.

Các biện pháp thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm bao gồm: Biện pháp hành chính (khi một người muốn mở quán ăn hay kinh doanh xe bán thực phẩm lưu động thì phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về an toàn thực phẩm).

Biện pháp dân sự (người bị thiệt hại do thực phẩm không an toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại). Biện pháp hình sự (truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đến mức cấu thành tội phạm. Hình phạt có thể là một năm tù giam và phạt tiền 1.000 USD, mức phạt tiền có thể lên tới 250.000 USD nếu gây chết người).

* EU: Hệ thống tiêu chuẩn chặt chẽ

Hệ thống tiêu chuẩn và quy định của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn thực phẩm rất hoàn chỉnh do nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch và an toàn rất cao.

Tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm của EU gồm:

Hệ thống quy định HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point System) - “Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” hay “Hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm”.

HACCP là hệ thống để nhận biết, xác định và kiểm soát mối nguy trong chế tạo, gia công, sản xuất, chuẩn bị và sử dụng thực phẩm nhằm bảo đảm thực phẩm là an toàn khi tiêu dùng. Cụ thể, việc áp dụng hệ thống HACCP trong dây chuyền thực phẩm sẽ bắt đầu từ nông trường và kết thúc bằng việc chuẩn bị thực phẩm riêng biệt hoặc ở khách sạn hay tại nhà riêng.

Quy định HACCP được đặc biệt coi trọng đối với các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển khi xuất khẩu vào thị trường EU. Nếu không thực hiện quy định HACCP thì họ sẽ không thể xuất được hàng sang thị trường EU.

Quy trình thực hành canh tác nông nghiệp tốt GAP (Good Agricultural Practices) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ. Thực phẩm phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), đồng thời phải bảo đảm an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng.

GAP bao gồm việc sản xuất theo hướng lựa chọn địa điểm, sử dụng đất đai, phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, đóng gói, tồn trữ, vệ sinh đồng ruộng, vận chuyển sản phẩm… nhằm phát triển nông nghiệp bền vững với mục đích bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Trong những năm gần đây, do một số dịch bệnh bắt nguồn từ gia súc và gia cầm đã lây lan nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, nên Mỹ và châu Âu đã ban hành các luật về an toàn thực phẩm, trong đó có các quy định về việc các doanh nghiệp cung ứng hàng vào Mỹ và châu Âu phải ghi và cung cấp dữ liệu sao cho có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm khi có vấn đề.

* Pháp, Thái Lan: Chuỗi cung ứng an toàn

Chuỗi cung ứng nông sản an toàn bao gồm các tác nhân chế biến, kho chứa và bảo quản, vận chuyển và cung ứng, bán buôn/bán lẻ, tiếp cận thị trường và khách hàng.

Theo hai tác giả Đinh Hồng Thái (Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình) và Quyền Đình Hà (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Pháp và Thái Lan đã phát triển tốt chuỗi cung ứng nông sản an toàn theo hưóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực của các tác nhân trong chuỗi, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân liên quan đến việc cung cấp, sản xuất và phân phối nông sản an toàn hoàn chỉnh.

Chuỗi bắt nguồn từ nhà cung cấp các đầu vào phục vụ sản xuất nông sản an toàn cho đến nhà sản xuất và nhà phân phối nông sản an toàn để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Nền nông nghiệp của Pháp đứng thứ 6 thế giới về sản lượng và đứng đầu Liên minh châu Âu. Xây dựng các chuỗi cung ứng mang lại hiệu quả luôn được xem là một trong những chủ trương hàng đầu được Chính phủ Pháp quan tâm. Chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản tại Pháp được hình thành với đặc trưng cơ bản là chỉ duy trì tối đa một đơn vị trung gian trong chuỗi cung ứng, nhằm kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Quy trình xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp tại Pháp như sau:

Với ý tưởng giúp người sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, bán các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa địa phương, gắn kết với các chương trình truyền thông xây dựng hình ảnh… chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp địa phương kết nối các hộ nông dân sản xuất và bán sản phẩm tại các cửa hàng và siêu thị của vùng.

Các hộ nông dân sản xuất nhỏ tham gia chuỗi cung ứng ngắn với cam kết tuân thủ các quy định: Các sản phẩm tham gia chuỗi phải là các sản phẩm nông nghiệp của vùng; được bán tại các cửa hàng của vùng. Khoảng cách từ các trang trại sản xuất đến điểm bán hàng từ 20km-50km.

Các hộ nông dân được chủ động các hoạt động sản xuất của mình. Đơn vị quản lý chuỗi chịu trách nhiệm lập ra quy trình về tổ chức và vận hành chuỗi. Thiết lập website quản lý bán hàng, theo đó các sản phẩm được quản lý theo mã vạch tương ứng với các hộ nông dân tham gia sản xuất.

Theo quy định của chuỗi, các sản phẩm được nhập từ các nhà sản xuất khác nhau song mức giá đều được thống nhất, ghi cùng mức giá trên mỗi sản phẩm.

Định kỳ họp để đánh giá những thành công, hạn chế và đưa ra những điều chỉnh về nguyên tắc hoạt động của chuỗi trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuần. Tham gia họp định kỳ bao gồm 3 nhóm là truyền thông, quản lý lao động và việc làm, nhóm giám sát và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tại Thái Lan, năm 1996, hãng Royal Ahold thành lập liên doanh với tập đoàn bán lẻ trung ương Thái Lan và bắt đầu hoạt động tích cực với hơn 30 siêu thị TOPS (TOPs - Top choice for fresh, organic foods & imported products - Lựa chọn hàng đầu cho thực phẩm tươi, hữu cơ và sản phẩm nhập khẩu).

Từ khi bắt đầu TOPS tự phát triển như một chuỗi siêu thị thực phẩm tươi sống, chất lượng. Năm 1998, TOPS bắt đầu một dự án chuỗi cung ứng nhằm cung cấp cho người Thái Lan sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, sản phẩm tươi, có sẵn, đáng tin cậy với giá cả phải chăng.

Tiêu chuẩn TOPS đã được hầu hết các công ty lớn trong ngành bán lẻ Thái Lan chấp nhận. Các chủ sở hữu nhỏ tham gia vào mạng lưới nhà cung cấp TOPS theo hai cách thức: Thứ nhất, thông qua mạng lưới nông dân theo hợp đồng và người mua là những người cung cấp ưu tiên. Thứ hai, thông qua các hiệp hội nông dân phi chính thức. Trong các hiệp hội này, những người trồng trọt chuyên nghiệp trong một gia đình hoặc làng cùng hợp lực và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức canh tác.

* Bài học cho Việt Nam

Theo tác giả Đỗ Mai Thành (Tạp chí Cộng sản), từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của EU, chúng ta có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chợ trung tâm thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Ảnh: Văn Tý-TTXVN.

Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, vấn đề hóa chất bảo vệ thực vật, vấn đề kiểm dịch… và việc cụ thể hóa các quy định pháp luật bằng những biện pháp cụ thể trong từng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, lưu thông thực phẩm đóng vai trò quan trọng khi thực thi.

Trên cơ sở nguyên tắc tiếp cận hệ thống và toàn bộ chu trình thực phẩm, xây dựng bộ máy quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm, phân công trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương liên quan và cơ chế phối hợp giữa chúng, bởi năng lực của bộ máy là yếu tố quyết định hiệu quả công tác quản lý thực phẩm.

Công tác thanh tra là biện pháp quan trọng nhất trong kiểm soát thực phẩm, vì vậy cần có một đội ngũ thanh tra đủ lớn và bảo đảm đủ năng lực chuyên môn mới kiểm soát và xử lý được tất cả các khâu của chu trình thực phẩm.

Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính khả thi, hiệu quả cao trong phòng ngừa và xử lý khắc phục những vi phạm an toàn thực phẩm sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đặc biệt là phù hợp về mức thu nhập và tập quán ăn uống.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng tiêu chuẩn vẫn cần lấy chuẩn quốc tế làm cơ sở để từng bước điều chỉnh quy định trong nước, nhất là các quy định liên quan đến thực phẩm xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.

Xác định hệ thống HACCP là điều kiện tiên quyết để thâm nhập được vào thị trường quốc tế, phát triển kinh doanh, do đó các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm xuất khẩu cần hết sức chú trọng đến điều này.

Việt Nam nhất thiết cần xây dựng, quy định cụ thể chức năng, quyền hạn của các phòng thí nghiệm, hệ thống phòng phân tích chuẩn kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm ở trung ương và các trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh.

Hoàn thiện hệ thống phân phối và bán lẻ trong nước để không bỏ sót một loại hàng hóa nào liên quan đến thức ăn, đồ uống của người dân mà không được kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm./. (Hết)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục