Bảo hiểm Agribank với hướng mới trong hoạt động thiện nguyện

20:06' - 14/10/2021
BNEWS Những hoạt động từ thiện gắn với nền tảng công nghệ cho phép mọi người có thể xem được kết quả, công khai, minh bạch đang là một hướng đi rất sáng tạo và rõ ràng của Bảo hiểm Agribank.

Trong những ngày cao điểm dịch COVID-19, hoạt động của các máy “ATM gạo” do Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC - Bảo hiểm Agribank) đặt tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh như một nguồn tiếp sức làm ấm lòng người dân trong những ngày khó khăn, thiếu thốn.

Thay vì nhả ra tiền như thường thấy, máy ATM gắn logo ABIC này có tính năng đặc biệt: nhả ra gạo tặng cho người dân, chung sức gánh vác, sẻ chia trách nhiệm cùng chính quyền, cùng cộng đồng xã hội.
Vào những ngày đầu tháng 8, khi Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa bàn “nóng” với tỷ lệ số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, dân cư chủ yếu là lao động tự do, không có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống khó khăn, chưa được tiếp cận ngay với các chính sách hỗ trợ…, ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank đã quyết định lắp đặt 2 máy “ATM gạo” tại đây để có thể trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Máy “ATM gạo” mà Bảo hiểm Agribank sử dụng là sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt có độ chính xác đến 95% đối với người đeo khẩu trang và 99% với người đeo kính chắn giọt bắn. Sau khi được nhận diện, máy sẽ phát cho mỗi người 3 kg gạo/lần, thời gian giữa 2 lần nhận gạo đối với mỗi người là 7 ngày.

Không cần giấy tờ, hệ thống tự động nhận diện khuôn mặt và nhả gạo, người đến nhận gạo đều tự giác giữ khoảng cách an toàn. Phần lớn họ làm công việc thời vụ như bán vé số, xe ôm, bán hàng rong… bị mất thu nhập do dịch, cuộc sống rất chật vật, thiếu thốn.
Khi Tp. Hồ Chí Minh chuyển sang giai đoạn siết chặt giãn cách xã hội, Bảo hiểm Agribank chủ động phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa phương đóng gạo thành các bao 5 kg đi phát đến từng hộ dân tại các một số phường của Quận 8.

Tuy nhỏ, nhưng những bao gạo này là nguồn thực phẩm thiết thực tiếp sức cho các hộ gia đình vượt qua đại dịch. Nhiều người dân ở Quận 8 đã bất ngờ và xúc động khi được các cán bộ của Bảo hiểm Agribank cùng chính quyền địa phương quan tâm, đến tận nhà trao gạo, nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách.

Chia sẻ về hoạt động này, ông Trần Trung Dũng (Bí thư Đoàn thanh niên Bảo hiểm Agribank) bộc bạch: "Mặc dù chưa phải là doanh nghiệp lớn, nhưng chúng tôi quan niệm mình phải là doanh nghiệp có trách nhiệm cộng đồng. Tất cả những gì mà Bảo hiểm Agribank có được đến ngày hôm nay là nhờ vào sự tin tưởng ủng hộ của khách hàng và hệ thống Agribank, nên chúng tôi xác định mình phải có nghĩa vụ sẻ chia với cộng đồng, với xã hội. Ý tưởng lắp đặt máy “ATM gạo” được chúng tôi hình thành và triển khai từ nguồn hỗ trợ ban đầu của Bảo hiểm Agribank.

Sau đó, đơn vị mở rộng, kêu gọi sự đóng góp của cán bộ nhân viên trong công ty, cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống Agribank, rồi kế đến là huy động sự đóng góp của các khách hàng, các nhà hảo tâm… Để tạo dựng niềm tin của các “Mạnh Thường Quân”, chúng tôi chủ trương minh bạch, rõ ràng trong việc thường xuyên cập nhật các thông tin đóng góp và hỗ trợ cho người dân trên một link trực tuyến".

Máy “ATM gạo” này được kết nối với một trang web qua một phần mềm, được cập nhật liên tục số gạo cấp phát trong ngày. Trang web đó có hai tính năng: tổng hợp số tiền ủng hộ (quy đổi luôn ra số gạo được tặng) và tổng hợp số gạo được phát ra. “Việc này được trừ tự động trên hệ thống nên không thể bị thất thoát một đồng nào được”, ông Trần Trung Dũng khẳng định.
Việc cập nhật công khai số tiền ủng hộ cũng như việc phát gạo đã tạo niềm tin cho nhiều người tự nguyện tham gia và rủ nhiều bạn bè cùng tham gia đóng góp. Chưa dừng lại ở đó, mỗi một “Mạnh Thường Quân” sau khi đóng góp, dù khoản tiền lớn hay nhỏ đều được trang web tự động tạo dựng một tấm thiệp tri ân nhỏ xinh, ghi tên người đó.

Nhiều người thích thú đăng tải tấm thiệp này lên mạng xã hội, trang cá nhân của mình… từ đó lan tỏa và thu hút nhiều tấm lòng hảo tâm tin tưởng tham gia đóng góp, đồng hành cùng Bảo hiểm Agribank giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Đánh giá cao hoạt động thiện nguyện của Bảo hiểm Agribank trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, đình trệ do dịch COVID-19, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Thị Phượng cho biết, máy “ATM gạo” của Bảo hiểm Agribank là hoạt động khởi xướng đầu tiên, nhận được sự hưởng ứng của tất cả các đơn vị trong Agribank, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên.

Điều này đã tạo tiền đề mở màn cho một loạt máy ATM sau đó của các đơn vị khác trong hệ thống Agribank, bao gồm máy “ATM gạo” của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), “ATM ô xy” của Công ty dịch vụ Agribank…
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: “Điều mà tôi cảm thấy vui mừng là sự lan tỏa hình ảnh và thông điệp ý nghĩa khi chương trình được truyền thông rộng rãi trên báo chí, trên fanpage, trên mạng xã hội. Đây là nét văn hóa truyền thống “Vì cộng đồng” của Agribank được ghi nhận trong hàng chục năm qua. Nét văn hóa này được lan tỏa rộng khắp, mang giá trị giáo dục rất tốt, đặc biệt là trong giới trẻ của Agribank với hơn 13.000 người – lực lượng lao động chiếm 1/3 nhân lực của Agribank.

Từ chương trình này, không chỉ cán bộ của Agribank trong hệ thống tham gia mà cả người thân, người quen, khách hàng của Agribank, rồi có cả những cháu nhỏ để dành tiền tiết kiệm, “mổ lợn” để lấy tiền ủng hộ. Đó là một chương trình tự nguyện, mọi người cảm thấy có một đầu mối tin tưởng để có thể chung tay, tham gia ủng hộ bằng những việc thiết thực từ khoản hỗ trợ có thể rất nhỏ tùy theo điều kiện của từng người… nhưng đều được tri ân và trân trọng. Hoạt động này của Bảo hiểm Agribank được đông đảo mọi người đánh giá rất cao”.
Không chỉ có ý tưởng tốt, Bảo hiểm Agribank còn được đánh giá cao khi có lực lượng cán bộ, nhân viên có trách nhiệm, xung kích vào các vùng dịch để thực hiện các chương trình từ thiện.

Trong điều kiện giãn cách tuyệt đối, người dân không đến lấy gạo tại máy “ATM gạo” được, các cán bộ, nhân viên Bảo hiểm Agribank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và chi nhánh Sài Gòn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, nhất là ở những vùng tâm dịch, nơi có rất nhiều ca F0, nhưng họ đã cùng với các lực lượng chức năng đóng bao gạo, phát gạo đến tận cơ sở, đến từng hộ dân…
Dự kiến, sau ngày 15/10, Bảo hiểm Agribank sẽ mở thêm một máy “ATM gạo” nữa tại huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục giúp đỡ những người lao động tự do và công nhân bị kẹt lại, chưa có việc làm.
Ghi nhận sự sẻ chia, nhân văn, tinh thần xung kích và tình nguyện vì cộng đồng của các cán bộ nhân viên Công ty Bảo hiểm Agribank, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nhận xét, bây giờ vào đường link của Bảo hiểm Agribank vẫn quan sát được thấy có bao nhiêu người đóng góp ủng hộ, đã phát được bao nhiêu gạo, còn lại bao nhiêu gạo.

“Những hoạt động từ thiện gắn với nền tảng công nghệ cho phép mọi người có thể xem được kết quả, công khai, minh bạch cũng là một hướng đi rất sáng tạo và rõ ràng”, bà Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh.
Với những hoạt động công khai, minh bạch và có các phần mềm ứng dụng để mọi người có thể chia sẻ và nhìn thấy những kết quả đóng góp của bản thân thì sẽ tạo ra một hiệu ứng tốt, thu hút được rất nhiều người tham gia. Đây là một hướng đi mới, là một cách gợi ý cho Agribank có những hoạt động kết nối vì cộng đồng giống cách làm như “ATM gạo”.

Trong tương lai có thể có những chương trình tương tự với hình thức huy động hỗ trợ gắn với sử dụng các nền tảng công nghệ, đảm bảo tính công khai, minh bạch” - Phó Tổng Giám đốc Agribank tâm đắc.../.

>>>Bản lĩnh thép trong gian khó


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục