Bạo loạn nghiêm trọng nhất tại Anh kể từ năm 2011

15:19' - 07/08/2024
BNEWS Các cuộc biểu tình bạo lực trong hai ngày cuối tuần qua là làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ các cuộc bạo loạn năm 2011.

Làn sóng biểu tình bạo lực chống nhập cư bùng phát trên khắp nước Anh bắt đầu từ ngày 30/7/2024 sau vụ đâm dao tại Southport (phía tây bắc England) diễn ra trước đó một ngày làm 3 trẻ em thiệt mạng, do thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về danh tính và tôn giáo của nghi phạm.

 

Từ đó, bạo loạn đã bùng phát tại nhiều thành phố và thị trấn dẫn đến hàng trăm vụ bắt giữ. Đám đông đã ném gạch và pháo sáng, tấn công cảnh sát, đốt phá và cướp bóc các cửa hàng, đập vỡ cửa sổ ô tô và nhà cửa.

Trong hai ngày 30-31/7, các cuộc biểu tình đã lan rộng tại nhiều thành phố ở Anh, trong đó có London, Hartlepool, Manchester và Aldershot. Biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực khi những người biểu tình cực hữu đụng độ với cảnh sát chống bạo động, khiến hơn 50 cảnh sát bị thương và hơn 110 người bị bắt.

Các cuộc biểu tình bạo lực trong hai ngày cuối tuần qua là làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ các cuộc bạo loạn năm 2011, khi cảnh sát phải ứng phó với 47 cuộc biểu tình của phe cực hữu và những người chống cực hữu vào ngày 3/8 và 9 cuộc vào ngày 4/8. Hơn 50 cảnh sát bị thương cùng với gần 250 vụ bắt giữ  ở vùng England và Bắc Ireland.

Tại Middlesbrough, hơn 300 người biểu tình chống nhập cư tuần hành qua trung tâm thành phố, những đối tượng quá khích đã ném gạch, lon bia và các đồ vật vào cảnh sát. Những người biểu tình bạo lực cũng đẩy các thùng rác bốc cháy vào hàng rào cảnh sát và đập vỡ cửa sổ các căn nhà và xe hơi tại một khu dân cư.

Ở các thành phố như Liverpool, Southport, Manchester, nhà chức trách đã áp dụng lệnh trao quyền cho lực lượng cảnh sát được phép dừng, khám xét và yêu cầu bỏ khẩu trang, mũ trùm đầu đối với những người sử dụng để cải trang hoặc che giấu ngoại hình, để ứng phó với tình trạng bạo lực.

Trước đó, ít nhất 100 người đã bị bắt sau các vụ bạo lực xảy ra ngày 3/8 tại các thành phố Hull, Liverpool, Stoke-on-Trent, Nottingham, Bristol, Manchester, Blackpool và Belfast khi những người biểu tình tấn công cảnh sát khiến nhiều người bị thương, cướp phá các cửa hàng, và đốt một thư viện hỗ trợ cho các cộng đồng nghèo.

Sau khoảng 60 cuộc biểu tình bạo loạn đường phố xảy ra trên khắp nước Anh trong những ngày vừa qua, cảnh sát nước này cho biết đã lên phương án đối phó với khoảng 30 cuộc biểu tình cực hữu dự kiến diễn ra trong ngày 7/8.

Trước đó, tối 6/8, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chủ trì cuộc họp thứ hai của Ủy ban khẩn cấp Cobra cùng với các thành viên chủ chốt của Nội các, lãnh đạo quân đội, cảnh sát và quản lý nhà tù để bàn biện pháp ứng phó với các cuộc biểu tình bạo loạn chưa hề có dấu hiệu giảm bớt.

Ông Starmer nhấn mạnh chính phủ sẽ tăng cường tư pháp hình sự nhằm bảo đảm các biện pháp trừng phạt được thực hiện nhanh chóng. Chính phủ Anh đã huy động 6.000 cảnh sát đặc nhiệm để ứng phó với tình trạng bạo loạn cực hữu xảy ra.

Để đối phó với tình trạng bạo lực, Bộ Tư pháp Anh cho biết các phiên tòa sẽ được mở suốt đêm để nhanh chóng đưa những kẻ bạo loạn ra xét xử. Bên cạnh đó, các nhà tù sẽ bố trí thêm hơn 560 phòng giam sớm nhất là vào tuần tới để tiếp nhận các đối tượng tham gia bạo loạn bị kết án.

Trở lại vụ việc đâm dao vào ngày 29/7 tại Anh khiến 3 bé gái thiệt mạng và 10 người bị thương. Nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff và sống tại làng Banks, hạt Lancashire cách Southport vài dặm về phía Bắc, đã bị buộc 3 tội giết người và 10 tội cố ý giết người.

Tuy nhiên, trước khi danh tính của nghi phạm được xác nhận, trên mạng xã hội đã lan truyền các thông tin sai sự thật rằng đối tượng là người Hồi giáo đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền và đang xin tị nạn.

Sau những thông điệp này, các thành viên cực hữu đã xuống đường biểu tình phản đối nhập cư và bài Hồi giáo tại các thành phố trên khắp nước Anh. Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra giữa phe biểu tình cực hữu với cảnh sát hoặc với các nhóm biểu tình đối lập. Cho đến nay cảnh sát đã bắt giữ hơn 400 đối tượng có các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lo ngại an ninh bất ổn, Malaysia và Nigeria là những quốc gia đầu tiên ban hành cảnh báo đi lại tới Anh; tiếp đến là các nước Australia, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Ấn Độ.

Theo đánh giá của giới phân tích, bạo lực được châm ngòi từ những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về nhân thân và tôn giáo của nghi phạm, kích động làn sóng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo trên cả nước.

Làn sóng bạo loạn gây bất ngờ đối với người dân Anh cũng như lực lượng cảnh sát và chính phủ, cho thấy hiểm họa ghê gớm của thông tin sai lệch trên mạng xã hội khi những tin giả kích động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo dễ dàng qua mặt công chúng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bùng phát thành bạo lực trên đường phố.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper tuyên bố các công ty truyền thông xã hội phải chịu một phần trách nhiệm khi là “bệ phóng” cho các thông tin sai lệch và khuyến khích bạo lực.

Bà cho biết chính phủ sẽ theo đuổi vấn đề này với các công ty công nghệ lớn, để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả thông tin sai lệch và kích động bạo lực trực tuyến, đồng thời nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ nội dung độc hại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục