Bảo Lộc - “Thủ phủ” tơ lụa Việt Nam

09:00' - 10/02/2019
BNEWS Sau nhiều năm“thăng trầm”, đến nay, bằng những nỗ lực không ngừng, thành phố Bảo Lộc đang dần khẳng định vị trí “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam.
Người mẫu trình diễn thời trang Tơ lụa Bảo Lộc và Thổ cẩm Lâm Đồng. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN 

Với khí hậu mát quanh năm, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa và được quy hoạch phát triển là thủ đô của tơ lụa Việt Nam từ năm 1995.

Sau nhiều năm“thăng trầm”, đến nay, bằng những nỗ lực không ngừng, thành phố Bảo Lộc đang dần khẳng định vị trí “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam.

* Bảo Lộc khẳng định vị trí “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam

Bảo Lộc (Lâm Đồng) được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm mát mẻ - điều kiện thuận lợi cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc từ lâu đã được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Năm 2018 là một năm tạo được nhiều dấu ấn và bước tiến ngoạn mục của ngành tơ lụa Việt Nam, mà trong đó tơ lụa Bảo Lộc luôn dẫn vị trí cao nhất.

Như vậy sau một thời gian dài, ngành tơ lụa Việt đã thực sự hồi sinh và Bảo Lộc là nơi “ươm tơ” mở lối cho tơ lụa Việt.

Theo ông Đoàn Kim Đình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, năm 2018 là năm phát triển vượt bậc của ngành tơ tằm Bảo Lộc.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5.000 ha dâu tằm, trong đó thành phố Bảo Lộc có khoảng 500 ha với sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/ năm, hướng đến năm 2020 diện tích dâu tằm sẽ ổn định từ 500-600 ha.

Tại Bảo Lộc, ngoài những vùng trồng dâu nuôi tằm còn có những cơ sở dệt lụa rất lớn. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh, ươm tơ ngày càng phát triển. Tại Bảo Lộc có 23 doanh nghiệp ươm tơ và dệt vải (trên tổng số 28 doanh nghiệp của toàn tỉnh), trong đó có 7 doanh nghiệp ươm tơ cơ khí, 8 doanh nghiệp ươm tơ tự động, 8 doanh nghiệp dệt lụa.

Cùng với đó, công nghệ sản xuất, chế biến tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc đã được đầu tư bài bản với nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ trồng, thâm canh giống dâu đến kỹ thuật nuôi tằm chất lượng cao đã giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng kén đầu vào cho sản xuất tơ lụa.

Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại nên được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Trong năm 2018, sản lượng tơ lụa toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 1.000 tấn thì riêng Bảo Lộc là 950 tấn, sản lượng lụa đạt trên 3 triệu m2. Bằng sự kết hợp giữa sản xuất truyền thống của Việt Nam với công nghệ tiên tiến của thế giới, sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đã đạt đến chất lượng cao.

Trong đó, những mặt hàng thông dụng được sản xuất từ tơ lụa Bảo Lộc có chất lượng vượt trội so với các nước trong khu vực và ngang ngửa với mặt hàng cùng chủng loại đạt chất lượng cao nhất trên thế giới.

Hiện nay các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đã được chế biến đến khâu cuối cùng, kể cả các công đoạn khó nhất để cho ra đời các sản phẩm hoàn thiện, xuất sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Ả Rập…

Tơ lụa Bảo Lộc đã vươn xa tới nhiều châu lục, kể cả những thị trường khó tính như Pháp, Italy, Ấn Độ, Nhật Bản…

Các sản phẩm tơ lụa không chỉ được dùng trong lĩnh vực thời trang, mà tơ lụa Bảo Lộc nay còn xuất khẩu để sử dụng trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất…

Đặc biệt, nếu như trước kia, tơ lụa Bảo Lộc chỉ xuất ra nước ngoài, thì năm 2018, thị trường nội địa đã tăng lên đột biến 100%. Và nếu năm 2012 các công ty dệt may sử dụng 100% là tơ lụa nhập từ Trung Quốc, thì đến năm 2018 đã sử dụng trên 70% tơ lụa Lâm Đồng và chắc chắn năm 2019 con số này chỉ còn 10% tơ lụa Trung Quốc.

Những điều đó cho thấy chặng đường hồi sinh tơ lụa và con đường đầy gian nan nối giá trị thương mại cho sợi tơ của Bảo Lộc đã thu được “trái ngọt”. Sau nhiều năm nỗ lực vun xới, xây dựng, thành phố Bảo Lộc đang dần khẳng định được thương hiệu “thủ phủ tơ lụa” Việt Nam.

* Để tơ lụa Bảo Lộc ngày càng vươn xa

Người mẫu trình diễn thời trang Tơ lụa Bảo Lộc và Thổ cẩm Lâm Đồng. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN 

Tuy nhiên, ngành tơ lụa Bảo Lộc cũng đang gặp khó khăn, thách thức mới như: thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất; nhà nước, nhà khoa học thiếu liên kết chặt chẽ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; giống tằm, vùng nguyên liệu dâu, nguyên liệu kén... thiếu đảm bảo; đào tạo trình độ chuyên cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, chọn tạo giống và ứng dụng công nghệ mới trong trong nghiên cứu tạo giống tằm… còn hạn chế.

Kể cả việc đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc, cũng như liên doanh, liên kết phát triển tơ lụa Bảo Lộc rộng rãi đến các nước trên thế giới… vẫn còn khó khăn.

Để đảm bảo phát triển ngành tơ lụa, UBND thành phố Bảo Lộc đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tơ lụa Bảo Lộc và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; đã có 7 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tơ lụa.

Cùng với sự quan tâm thiết thực, sự “vào cuộc” nhịp nhàng, trách nhiệm, tâm huyết của chính quyền tỉnh Lâm Đồng, của thành phố Bảo Lộc, đặc biệt, tấm lòng gắn bó thủy chung của người nông dân, các nghệ nhân trên vùng đất này sẽ cùng nhau “gỡ khó” để thúc đẩy ngành tơ tằm Bảo Lộc phát triển trong tương lai.

Thương hiệu “Trà B’Lao, lụa tơ tằm Bảo Lộc” sẽ lan xa, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt, khi UBND thành phố Bảo Lộc được phép sử dụng tên địa danh “Bảo Lộc” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Lụa tơ tằm Bảo Lộc”.

Đây cũng được xem là cơ hội vàng để sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục