Bão số 13: Thừa Thiên – Huế khắc phục hậu quả do bão gây ra

16:53' - 15/11/2020
BNEWS Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của Thừa Thiên – Huế đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 13 để sớm ổn định cuộc sống của người dân.

Bão số 13 đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế với sức gió từ cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 11, tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm tốc mái nhiều ngôi nhà, quật đổ nhiều cây xanh, làm nhiều con tàu bị mắc cạn và bị chìm.

Hiện chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 13 để sớm ổn định cuộc sống của người dân.

*Nhiều tàu thuyền bị sóng đánh mắc cạn và bị chìm

Chiều 15/11, lực lượng Hải đội 2, thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đang nỗ lực huy động tàu cỡ lớn phối hợp với 2 tàu cá khác của ngư dân để kéo chiếc tàu vỏ sắt mang số hiệu TTH 99999 TS đang bị mắc cạn tại khu vực đập Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.

Trước khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền, hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân huyện Phú Vang đã được neo đậu cẩn thận, tuy nhiên do triều cường dâng cao kết hợp với gió bão giật mạnh đã làm đứt dây buộc, bật mỏ neo của 11 chiếc thuyền, sóng nước đã đẩy các thuyền mắc cạn vào bờ.

Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, khi nhận được thông tin nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn ven biển huyện Phú Vang bị mắc cạn, được sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án “giải cứu”.

Chiều 15/11, một số tàu đã không còn bị mắc cạn, những tàu còn lại đang được các lực lượng nỗ lực tìm phương án phù hợp để giải cứu, để những con tàu này có thể sớm vươn khơi bám biển sau bão.

Có mặt trực tiếp tại hiện trường tham gia chỉ đạo công tác kéo hai tàu cá của địa phương bị mắc cạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy chia sẻ, mặc dù tình hình thời tiết không thuận lợi, tàu bị mắc cạn sâu vào bờ nhưng nhờ sự nhiệt tình tham gia ứng cứu của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với những phương tiện tàu thuyền lai dắt công suất lớn đã giúp đưa những con thuyền thoát cạn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Vang Nguyễn Văn Chính, bão số 13 đã làm 11 tàu thuyền trên địa bàn huyện bị mắc cạn; trong đó ở thị trấn Thuận An, tàu cá TTH 99911TS do ông Nguyễn Cường làm thuyền trưởng đang neo đậu bị sóng đánh, tàu đè lên nhà bà Lê Thị Xuyên ở gần đó làm sập 2/3 ngôi nhà, không gây thiệt hại về người.

Chiều 15/11, lực lượng Biên phòng và các tàu cá khác đã giải cứu được 7 chiếc tàu và đang kéo 1 chiếc. Ba chiếc tàu còn lại có công suất lớn từ 300 – 800 CV bị mắc cạn sâu trong bờ, không thể thực hiện biện pháp kéo ra mà sẽ phải thuê xe cẩu có trọng tải lớn hoặc dùng tời nhằm đảm bảo các tàu này không bị hư hại.

Ngoài ra, tại âu thuyền thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, sóng lớn do triều dâng trong cơn bão số 13 cũng đã đánh chìm 9 phương tiện tàu cá của ngư dân đang neo đậu tại đây.

*Khẩn trương khắc phục sau bão

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, bão số 13 đã làm tốc mái 1.348 ngôi nhà ở huyện Phú Lộc và thị xã Hương Trà, nhiều công sở và trường học trên địa bàn tỉnh cũng bị gió thổi bay mái tôn, hàng rào, xô đổ trụ cổng.

Cơn bão này cũng làm 90 ha rừng trồng ở huyện Phú Lộc bị gãy đổ, hàng chục gia súc bị cuốn trôi. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có hơn 61% số trạm biến áp bị mất điện.

Ngay trong sáng 15/11, ngành điện lực tỉnh Thừa Thiên – Huế đã huy động tối đa nhân lực và phương tiện để nhanh chóng khắc phục các sự cố để có thể cấp điện trở lại cho khách hàng trong chiều tối cùng ngày.

Nhằm nhanh chóng trả lại cảnh quan môi trường và ổn định cuộc sống cho người dân sau cơn bão số 13, trong sáng 15/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhanh chóng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư, công sở, trường học.

Tại thành phố Huế, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, nhân viên vệ sinh môi trường, cây xanh đô thị đô thị và người dân đã vệ sinh tại các tuyến đường, dọn dẹp cành cây bị gãy, dựng lại những cây xanh bị gió làm nghiêng đổ, bật gốc. Qua đó, nhanh chóng lấy lại không gian thông thoáng của đô thị sau những ngày mưa bão.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, do địa phương làm tốt công tác chủ động ứng phó với bão số 13 theo phương châm “4 tại chỗ” nên đã giảm thiểu đáng kể mức độ thiệt hại do cơn bão này gây ra.

Hiện nay, hệ thống chính quyền các cấp trong tỉnh phải huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu các địa phương khẩn trường sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn bị hư hỏng do bão để khôi phục sản xuất, kinh doanh và sớm ổn định cuộc sống cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục