Bão số 3: Bốn người tử vong, 78 người bị thương

19:18' - 07/09/2024
BNEWS Ngày 7/9, bão số 3 đã đi vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ; đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội.
* Bốn người tử vong, 78 người bị thương

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại ban đầu về người do bão số 3. Cụ thể, Quảng Ninh có 3 người tử vong; Hải Dương có 1 người tử vọng; có 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; tàu vận tải Huyền Trang 02 - Hải Phòng bị đứt neo trôi dạt.

Bão số 3 cũng gây sự cố mất điện trên diện rộng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Sau khi đi vào đất liền khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 3 gây gió mạnh, mưa lớn. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/giờ), giật cấp 15.

Một số địa phương đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208mm. Thủ đô Hà Nội bắt đầu mưa to, gió mạnh từ 15 giờ ngày 7/9.

* Ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Trong buổi làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan liên quan sáng 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ ngành, cơ quan liên quan tăng cường tinh thần cảnh giác, tập trung cao độ, có biện pháp duy trì công tác điều hành thông suốt trong ứng phó bão số 3; tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Hải Phòng với các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt lưu ý cần chuẩn bị từ sớm, từ xa, duy trì kênh thông tin liên lạc. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng thiết bị để có nhiều hình thức thông tin thông suốt từ lãnh đạo tỉnh, từ lãnh đạo đến cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp.

Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã huy động 50.000 cán bộ, chiến sĩ, 600 phương tiện để ứng trực bão và đã bố trí lực lượng tại các điểm trọng yếu, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ.

Lãnh đạo các địa phương cũng phân công thành nhiều đoàn trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với bão tại cơ sở. Chính quyền yêu cầu nhân dân không ra khỏi nhà; trừ các lực lượng Phòng chống thiên tai, các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ.

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản. Huyện Cô Tô đã di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.

Hà Nội đã đưa 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (được xây dựng cách đây từ năm 1964, nay đã xuống cấp, thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) di dời đến trường tiểu học Tân Mai (cách chỗ ở cũ 300m). Toàn thể người dân được di chuyển đều đồng thuận. Tại nơi ở tạm, chính quyền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân.

Đề phòng mưa lớn gây ngập lụt tại khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp, Hà Nội đã vận hành 9 trạm bơm tiêu với 32 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 79.300m3/h.

Hà Nội tổ chức ứng trực đảm bảo sản xuất và sẵn sàng ứng phó với bão số 3 với 20 phương tiện xe stec (5-10)m3 để cấp nước kịp thời những khu vực bị mất nước cục bộ. Công ty nước sạch Hà Nội sẵn sàng các phương án cấp nước phục vụ nhân dân, trong đó bố trí 500 bình nước loại 20 lít/bình, sẵn sàng cung cấp cho những khu vực không có nguồn nước khi bị bão lũ chia cắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục