Bão số 4 gây mưa lớn tại Bắc Bộ từ 15 đến 17/8

20:10' - 14/08/2018
BNEWS Rạng sáng 16/8, bão số 4 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Hồi 13 giờ ngày 14/8/2018, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Đông sau có khả năng đổi hướng dịch chuyển về phía Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Ảnh: TTXVN

Chiều 14/8, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải đã nhận định bão số 4 sẽ gây mưa lớn từ Bắc Bộ đến một số tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với lượng mưa từ 300-400mm, có nơi 500-600mm. Lượng mưa lớn đổ xuống các khu vực này chỉ trong 2-3 ngày bắt đầu từ đêm 15 đến hết ngày 17/8.

Ông Lê Thanh Hải cho biết: Cơn bão số 4 được hình thành từ vùng áp thấp xuất hiện ngay trong biển Đông, bắt đầu từ 13/8 mạnh lên thành bão. Điều đặc biệt là bão số 4 có hướng di chuyển kỳ lạ, từ Tây sang Đông, có lúc đi sang phía Đông Nam, ngược với hướng di chuyển từ Đông sang Tây của hầu hết các cơn bão.

Đến thời điểm hiện tại, bão số 4 đang có dấu hiệu dừng lại, đi chậm lên phía Bắc và đi về phía Tây. Dự kiến chiều và đêm 15/8 đến bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đến đêm 15 rạng sáng 16/8 bão số 4 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Theo ông Lê Thanh Hải, hiện chưa thể dự đoán cơn bão số 4 khi vào vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh lên hay yếu đi nhưng chắc chắn sẽ gây lượng mưa tương đối lớn bắt đầu từ đêm 15 đến hết ngày 17/8, mưa tập trung ước khoảng 300-400mm, thậm chí có nơi 500-600mm.

Trong bối cảnh tháng 6 và tháng 7 vừa qua mưa ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vượt hơn so với trung bình nhiều năm, (có nơi vượt hơn 200 – 400 %) dẫn đến các hồ chứa, các diện tích bề mặt, nhiều khu vực núi đồi ngậm nước nên gây ra nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt tại các vùng đô thị, lũ trên các sông. Tại sông Bùi, sẽ có khả năng lặp lại trận lũ trung tuần tháng 7. “Đây cũng là những điểm Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ trong vài ngày tới”, ông Hải cho biết.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, có 2 khả năng khi cơn bão vào Vịnh Bắc Bộ, một là từ cấp 8 mạnh lên cấp 9, hai là có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tại thời điểm này chưa thể khẳng định cấp độ cơn bão khi vào Vịnh Bắc Bộ nhưng có thể khẳng định, bão số 4 sẽ gây mưa lớn trên phạm vi từ khu vực phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ cho đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình...

Về ảnh hưởng của mưa lớn từ bão số 4 đến diễn biến lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ Trịnh Thu Phương cho biết: Từ ngày 12/8 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi các bản tin cảnh báo lũ có khả năng sẽ xảy ra khu vực sông Đà tỉnh Hòa Bình, sông Thao khu vực Yên Bái, đặc biệt với diễn biến mưa 300-400mm trong vòng 2-3 ngày tới do ảnh hưởng bão số 4 sẽ khiến các vùng hạ lưu sông Hồng như: sông Đáy, sông Hạ Long, sông Bôi sẽ xảy ra lũ với mực nước từ báo động 2 đến báo động 3.

Đặc biệt, khu vực Chương Mỹ-Hà Nội đã xảy ra ngập lụt kéo dài trong trung tuần tháng 7 sẽ tái diễn tình trạng này, mức đỉnh lũ trên sông Bùi sẽ xấp xỉ mức trung tuần tháng 7, hiện tượng ngập lụt tại các vùng trũng, vùng thấp tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt tại Chương Mỹ sẽ vẫn tương đối nghiêm trọng.

Đối với ảnh hưởng của bão số 4 lên mực nước các sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Vũ Đức Long-Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Hiện, mực nước tại hầu hết các sông thuộc hệ thống sông Cửu Long đều trên mức báo động 1. Mức cao nhất đo được tại An Giang là: Trạm Tân Châu là 3,7m, trên báo động 1 là 0,2 m; trạm Châu Đốc là 3,17m trên báo động 1 là 0,17 m, cao hơn so với năm 2017 từ 0,2 đến 0,3m và cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,4 đến 0,5m.

Ông Vũ Đức Long cho biết: Trung tâm đã liên tục có những nhận định và cảnh báo lũ sớm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm 2018 đến tháng 3, tháng 7 và thời gian gần đây. Theo nhận định mới nhất ngày 14/8, dự báo đến 25/8 mực nước tại Tân Châu lên mức báo động 2 và có khả năng còn tiếp tục lên. Tuy vậy, trước tình hình bão số 4 có khả năng đổ bộ gây mưa cho các khu vực thuộc các nước Lào, Campuchia nên mực nước lũ có thể còn lên cao hơn so với dự báo. Trung tâm khuyến cáo chính quyền và người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo về tình hình mưa, lũ trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có phương án ứng phó kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục