Bảo toàn vốn đầu tư trước “vòng xoáy” COVID-19

15:24' - 25/08/2020
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường không thể quá lạc quan. Vì thế, mục tiêu bảo toàn vốn và thanh khoản trở thành tiêu chí hàng đầu tiên cho nhà đầu tư.

Tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định" do Tạp chí Cafeland tổ chức ngày 25/8 tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về kinh tế, tài chính cũng như doanh nghiệp đều chung nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường không thể quá lạc quan. Vì thế, mục tiêu bảo toàn vốn và thanh khoản trở thành tiêu chí hàng đầu tiên cho nhà đầu tư.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, nguồn lực đầu tư tư nhân hiện vẫn tăng, kỳ vọng khi dịch bệnh qua đi, thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các bất động sản đầu tư thuần túy có thể bị ảnh hưởng nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào các sản phẩm giá trị thật, phục vụ an cư cho người dân và trên thực tế đều có mức độ giao dịch ổn định.

Chia sẻ kinh nghiệm “tồn tại” trong đại dịch COVID-19, theo bà Hương, doanh nghiệp sẽ đưa ra thứ tự các ưu tiên, chia nguồn lực ra nhiều nhóm để đảm bảo hoạt động; trong đó, ưu tiên số một là duy trì bộ máy hiện nay vừa hoạt động nhân sự, vừa duy trì các hạng mục đầu tư. Ưu tiên thứ hai là hoạch định nguồn lực để đầu tư cho các hạng mục mở rộng.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại thì doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch để đảm bảo tiếp tục hoạt động kinh doanh và bước qua khủng hoảng.

Vì thế, doanh nghiệp cần chuẩn bị từ nguồn lực, tổ chức bộ máy cho đến sản phẩm để đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục 1 – 2 năm tới. Cùng đó, cần tính toán về dòng tiền đầu tư kể cả nguồn lực dự phòng biến cố xảy ra - bà Hương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ rất cao.

Bắt đầu từ quý 2/2021 kinh tế sẽ phục hồi với 2 điều kiện là kiểm soát được COVID-19 (khả năng có được vắc xin vào giữa năm 2021) và sự trụ vững của hệ thống ngân hàng.

Hiện tầng lớp trung lưu trong xã hội chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 mà chủ yếu là người dân lao động trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn nhà hàng, giao thông vận tải,… nên họ vẫn sẽ là nhóm đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán - ông Thành nhận xét.

Còn theo Tiến sĩ Ngô Minh Hải - Trưởng khoa Tài chính, Ngân hàng Đại học Văn Lang, COVID-19 là cơ hội để mọi người nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư, quản trị tài chính sau đó mới quan tâm đến vấn đề sinh lời. Mỗi kênh đầu tư đều có dư địa nên nhà đầu tư cá nhân nên chọn kênh nào để hợp “khẩu vị” của mình.

Nhấn mạnh giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ông Thành cho rằng, ưu tiên hiện nay vẫn là đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định. Về đầu tư công, trong năm 2020 cần áp lực hơn nữa việc giải ngân, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đầu tư công sẽ là một giải pháp tốt, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên thách thức hiện nay là có dư địa tài khoá, tiền tệ hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục