Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - Bài 1: Thực trạng tại Thành phố Hồ Chí Minh

20:55' - 22/11/2017
BNEWS Trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập, việc gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 300 năm hình thành và phát triển càng trở nên cấp bách.
Các hiện vật được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ tại di tích khảo cổ Giồng Cà Vồ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế giới di sản

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đô thị hiện đại mà còn sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và Thành phố. Thời gian qua, công tác bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được chính quyền Thành phố quan tâm thực hiện. Song, kết quả của các hoạt động này vẫn chưa được như mong đợi.

Nhiều di tích khảo cổ quý giá 

Trên địa bàn Trong bối cảnh đô thị hóa và quá trình hội nhập, phát triển, việc gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thành phố có hơn 300 năm hình thành và phát triển càng trở nên cấp bách. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 170 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, tập trung chủ yếu vào 3 loại hình di tích gồm khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử; trong đó, các di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm khoảng 56% và di tích lịch sử chiếm khoảng 43%.

Di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) và Lò gốm cổ Hưng Lợi (Quận 8) là 2 di tích khảo cổ ở thành phố đã được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Di tích Giồng Cá Vồ có niên đại cách đây khoảng 2.500 đến 2.000 năm. Theo các nhà chuyên môn, di tích Giồng Cá Vồ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Nguyễn Thị Đăng Kha - Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh, tìm hiểu quá trình hình thành của di tích Giồng Cá Vồ sẽ cho thấy mối liên hệ văn hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Nam bộ và các nước trong khu vực như Philipines, Indonesia, Ấn Độ…

Trong đó, phương thức mai táng của cư dân cổ Giồng Cá Vồ gồm mộ chum và mộ đất; hung táng trong mộ chum là chủ đạo. Các di vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ Giồng Cá Vồ cực kỳ phong phú về số lượng, đa dạng và độc đáo về loại hình, thể hiện một số đặc trưng văn hóa riêng biệt và những mối quan hệ giao lưu mật thiết với văn hóa Đồng Nai, văn hóa Sa Huỳnh với một số di tích mộ chum ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài Giồng Cá Vồ, di tích khảo cổ Lò gốm cổ Hưng Lợi nằm ven kênh Ruột Ngựa (phường 16, Quận 8) cũng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Tại di tích này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu... có từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Năm 1997 – 1998, trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các phế tích của 3 lò gốm kiểu lò ống là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp; nền lò được gia cố nhiều lần và thành lò đắp bằng phế phẩm.

Các đoạn vách lò còn lại được xây dựng bằng loại gạch lớn chảy men dày, trong lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ vào cấu trúc lò gốm và các di vật, các nhà khoa học xác định niên đại của Lò gốm cổ Hưng Lợi đạt độ hưng thịnh vào thế kỷ 19. Nơi đây còn được xác định là dấu tích vật chất quan trọng duy nhất còn lại trong nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh về một ngành nghề thủ công và một làng nghề nổi tiếng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa.

Việc bảo tồn còn nhiều hạn chế

Di tích Giồng Cá Vồ và Lò gốm cổ Hưng Lợi là các di tích khảo cổ phản ánh được sự hình thành và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, Sài Gòn - Gia Định xưa qua nhiều niên đại nhưng hiện nay, các di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng và bị lấn chiếm, xâm hại.

Qua khảo sát thực tế, các nhà nghiên cứu nhận định, di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi đã bị hoang hóa, hiện chưa phát huy được giá trị của di tích. Hơn nữa, gần 20 năm đã qua kể từ thời điểm được khai quật và công nhận là di tích cấp quốc gia, việc bảo tồn di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi cũng còn bất cập và hạn chế.

Bà Mai Thúy Hằng - Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã tiến hành xây dựng cổng, tường rào cho diện tích 800m2 trên tổng diện tích hơn 50.000m2 của khu vực được bảo vệ. Tuy nhiên, các hạng mục khác như nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng không được thực hiện như phê duyệt ban đầu.

Cổng chính của khu di tích vẫn chưa được lắp đặt. Mái che tạm thời trước đây tại khu vực bảo vệ khai quật khảo cổ bị sập. Hình dạng lò nung gốm lúc khai quật đã thay đổi hoàn toàn. Những cây keo lớn mọc xuyên qua “gò đất” trước đây là lò nung gốm, đan xen lẫn cây cỏ mọc um tùm và rác thải…

Bà Hằng thông tin thêm, vào khoảng năm 1999, tại khu vực di tích xảy ra tình trạng lấn chiếm nên không thực hiện được việc giải tỏa và đền bù. Cùng thời điểm, đã xuất hiện việc chôn cất và xây mộ trong khu vực bảo vệ 2 của di tích. Hiện UBND phường 16, Quận 8 vẫn tạm thời quản lý khu di tích.

Tuy không bị xâm hại như di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi nhưng di tích Giồng Cá Vồ kể từ khi được xếp hạng di tích quốc gia đến nay, việc phát huy những giá trị của di tích vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”.

Theo đó, Khu di tích Giồng Cá Vồ có tổng diện tích bảo vệ gần 30.000m2. Năm 2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo khu di tích, dự kiến thực hiện các công trình gồm: Nhà đón tiếp, nhà trưng bày hiện vật, chòi nghỉ, nhà lưu niệm... và các công trình phụ như cầu tàu, cây xanh, hệ thống phát điện với tổng mức đầu tư dự kiến là 14,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có sự thay đổi từ thủ tục trình duyệt, nhân sự, ghi vốn đầu tư… dự án tiếp tục được thay đổi, điều chỉnh và bổ sung.

Đến năm 2014, UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tách dự án làm 2 giai đoạn: Xây dựng, bồi thường và tu bổ, tôn tạo di tích; do Sở Văn hóa Thể thao làm chủ đầu tư. Hiện, giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai. Giai đoạn 2 cũng đã được phê duyệt vào tháng 6/2017, gồm các công trình: Nhà bao che khu mộ, nhà đa năng, chòi nghỉ, cầu dẫn…

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố, hiện có 1 hộ dân sống trên khu di tích và đã được chính quyền địa phương vận động không xâm chiếm và trồng các loại cây lâu năm trên đất di tích. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của di tích khảo cổ vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Trước thực trạng của hai di tích khảo cổ này, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ sự quan ngại về công tác bảo tồn các di sản, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, trên địa bàn thành phố đã phát hiện khá nhiều địa điểm khảo cổ. Nếu không khẩn trương hơn nữa sẽ khó có thể giữ gìn và bảo tồn giá trị di sản văn hóa đặc trưng của thành phố./.

>>>Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - Bài 2 : Kết nối di sản với lợi ích cộng đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục