Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chỉ thấy hô hào

17:53' - 11/12/2015
BNEWS Công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chỉ thấy hô hào, chưa thấy chuyển biến. Quản lý nguồn lợi thủy sản thời gian vừa qua vẫn nặng chú trọng trên biển và gần như bỏ quên nguồn lợi nội địa.
Hội nghị Tổng kết 12 năm thi hành Luật Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh:TTXVN

Tại hội nghị Tổng kết 12 năm thi hành Luật Thủy sản của  tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủy sản là rất cần thiết nhưng phải có định hướng tư tưởng.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các quy định trên biển xa bờ, ven bờ dường như giống nhau. Công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chỉ thấy hô hào, chưa thấy tạo sự chuyển biến. Quản lý nguồn lợi thủy sản thời gian vừa qua vẫn nặng chú trọng trên biển và gần như bỏ quên nguồn lợi nội địa.

Bên cạnh đó,  Luật Thủy sản sửa đổi phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật không giải quyết được.

Thứ hai là phải đồng bộ, phù hợp thống nhất với các luật, văn bản đã có. Thứ ba là phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính. Thứ tư là phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ trương khuyến khích xa bờ nhưng xa bờ cần định nghĩa là khu vực viễn dương chứ không chỉ là khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Khuyến khích phát triển xa bờ nhưng cần đi vào hiệu quả, chất lượng. Nếu đánh bắt quá mức không chỉ tổn hại đến đa dạng sinh học mà hiệu quả cũng không cao.

Do đó, việc sửa đổi Luật cần quan tâm đến tính bền vững. Đặc biệt, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, Luật Thủy sản sửa đổi cần phù hợp với nghề cá có trách nhiệm của Liên hợp quốc hay các quy định được cộng đồng quốc tế ủng hộ ngày càng mạnh như IUU (chống đánh bắt cá bất hợp pháp), Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị. Ảnh:TTXVN

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, sau 12 năm ban hành Luật Thủy sản, hệ thống phát luật về thủy sản đã hoàn thiện, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thủy sản.

Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành thiết lập hệ thống các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ vùng nước nội địa, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tiệt chủng.

Nhờ đó, đến nay, cả nước có hơn 117.000 tàu cá, trong đó số tàu trên 90 CV đã tăng mạnh (từ hơn 19.000 tàu năm 2009) lên hơn 28.000 tàu. Việc tăng số lượng tàu khai thác xa bờ đã góp phần tăng cường sự hiện diện dân sự, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.

Nuôi trồng thủy sản tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cũng như giúp nhiều người giàu lên từ nghề nuôi. Cùng với đó, hệ thống cơ sở chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng tăng cao. Thị trường xuất khẩu thủy sản ngày càng mở rộng, giúp đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 2,6 tỷ USD (năm 2009) lên 7,92 tỷ USD (năm 2014).

Luật Thủy sản cũng đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế về thủy sản và ký kết các điều ước quốc tế về thủy sản; làm cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đàm phán, giải quyết tranh chấp trong hoạt động khai thác thủy sản.

Lần đầu tiên trong Luật Thủy sản đã quy định về quản lý tàu cá nước ngoài vào khai thác tại vùng biển Việt Nam và khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để tàu cá Việt Nam tham gia khai thác tại vùng biển nước ngoài và tàu cá nước ngoài vào hoạt động khai thác tại vùng biển Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết.

Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp hoặc thực tiễn phát sinh đòi hỏi cần bổ sung quy định để phù hợp với sự phát triển của ngành và tương đồng với các luật mới được ban hành trong thời gian gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục