Bảo vệ thương hiệu thế nào trước hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ?

16:15' - 30/06/2023
BNEWS Qua việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi.

Lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả nhập khẩu qua các cửa khẩu chính thức; lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thậm chí tự sản xuất hàng nhái, đăng ký bản quyền và kiện ngược lại cơ quan chức năng khi bị xử lý... là những vi phạm kiểu mới gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.

Thông tin này được các đại biểu nhấn mạnh tại Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 30/6 nhằm nhận diện kỹ lưỡng hơn về những phương thức, thủ đoạn tinh vi mới, đồng thời trao đổi biện pháp mới giúp tăng cường bảo vệ thương hiệu và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, từ giữa năm 2022 khi dịch COVID-19 có dấu hiệu dừng thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại.

Qua việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi. Sự phức tạp, tinh vi này thể hiện ở cả 3 khía cạnh bao gồm: các vấn đề vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm; chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền; phương thức kinh doanh sản phẩm, hàng giả, hàng nhái. Những vụ việc lớn, các phương thức sản xuất, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có tổ chức, phạm vi rộng khắp.

Đáng chú ý, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc đã được rào kín, việc hàng giả đưa qua các đường mòn, lối mở gần như bằng 0.

Tuy nhiên, hiện giờ các đối tượng vận chuyển hàng giả về trong nước bằng cách công khai, tổ chức lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả đi qua các cửa khẩu chính thức với số lượng lớn. Bên cạnh đó, Internet đang là một mặt trận mới, rất nóng bỏng trong việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. 

"Có lẽ phải đến 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bắt ở ngoài thực tế đã khó rồi, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều bởi vì đặc thù của internet", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Hữu Linh, tất cả các chủ thể, từ người sản xuất, người bán cho đến người tiêu dùng mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phải ưu tiên việc phòng ngừa mang tính chiều sâu. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người mua hàng.

Chẳng hạn như tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu" để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả...

Tại Toạ đàm, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng, mặc dù văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước nhưng việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn.

Nhìn nhận như quan hệ "hợp tác công - tư" bởi giải quyết hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích chung của cả nhà nước, người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng: Quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức.

Việc này bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu, chính doanh nghiệp phải chủ động, không phải đợi cơ quan chức năng. Ngoài ra, người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội hoặc thông qua các luật sư, từ đó tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Lập, việc thực thi pháp luật chỉ là xử lý phần ngọn, có tác dụng xử lý những hậu quả đã xảy ra trong khi vấn đề phòng ngừa mới là quan trọng, giải quyết được căn bản vấn đề thiệt hại của cả nền kinh tế.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền- đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam khẳng định, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, Công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Đặc biệt, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm.

Bên cạnh đó, URC cũng thực hiện những chiến lược truyền thông thông qua các kênh truyền thông chính thức như truyền hình, báo, tạp chí để làm sao cho người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng của công ty URC như nước trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ và các nhãn hiệu khác của công ty.

Cũng liên quan đến vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, các khách mời cho rằng, doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu của mình, nhất là những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, bị vi phạm quyền sở hữu phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, với các bên liên quan.

"Doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại, khi biết trên thị trường có sản phẩm bị làm giả sẽ ngại ảnh hưởng đến thương hiệu nên tránh né, dẫn đến người tiêu dùng biết thương hiệu sản phẩm có hàng giả nên có thể không mua nữa", ông Trần Hữu Linh chia sẻ và khuyến nghị, tốt nhất doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay.

Với kinh nghiệm thực tế doanh nghiệp trong vấn đề này, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, Công ty TNHH URC Việt Nam luôn chủ động thực hiện đúng cam kết chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng; tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển trước khi đến tay người tiêu dùng như: an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác sản phẩm và các quy định khác liên quan...

URC cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.

Còn theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, với xu hướng quản trị hiện đại, không ít tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có bộ phận pháp lý, Ban pháp chế... để xử lý về vấn đề hàng nhái, hàng giả và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực... nên chủ động kết nối và có cơ chế hợp tác thường xuyên với luật sư, đại diện pháp lý để được tư vấn, hỗ trợ ứng phó với những vụ việc bị vi phạm về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.

Bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả, bà Bùi Thị Thu Hiền đề nghị làm sao để đẩy nhanh được quá trình xử lý vi phạm, đồng thời có thể nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để nhằm tăng tính răn đe cho đối tượng vi phạm. 

Nhằm đạt những bước tiến đáng kể đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Trần Hữu Linh, ngoài việc tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.

Theo đó,  từ việc làm sao để chống thất thu thuế trên thương mại điện tử đến việc làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật Internet truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội...

Đây là mặt trận nóng và rất khó nhưng với nghĩa vụ, trách nhiệm, thời gian tới lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với nhiều lực lượng chức năng tập trung triển khai nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục