Bảo vệ vườn cà phê Tây Nguyên trong mùa khô

18:34' - 29/10/2018
BNEWS Hiện Tây Nguyên chuyển sang mùa khô, mùa nắng nóng, khô hanh và cà phê bắt đầu già, có nơi chín bói chuẩn bị mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2018 – 2019.
Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN

Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên có biện pháp bảo vệ để vườn cà phê đạt tỷ lệ quả chín mới thu hoạch, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.

Hàng năm, nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê triển khai tốt biện pháp bảo vệ nên vườn cà phê có tỷ lệ quả chín đạt từ 80% trở lên mới thu hoạch đại trà.

Trước khi bước vào vụ thu hoạch, các địa phương vùng Tây Nguyên đã họp nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê để bàn biện pháp bảo vệ có hiệu quả vườn cà phê kinh doanh cho thu hoạch trong niên vụ này. Đồng thời, nhân rộng mô hình liên kết, hỗ trợ giữa nông hộ, doanh nghiệp với công an, xã đội trên từng địa bàn xã trọng điểm, vùng cà phê tập trung để bảo vệ các vườn cà phê.

Theo đó, nhiều địa phương, nông hộ có diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch trong niên vụ này tự nguyện đóng góp, hỗ trợ mỗi sào cà phê từ 45.000 - 50.000 đồng/sào cho công an, xã đội mua sắm trang thiết bị để đi lại tuần tra, canh gác ở các vườn cà phê cho các nông hộ, doanh nghiệp.

Trường hợp vườn cà phê bị mất trộm, lực lượng công an, xã đội của từng địa bàn xã có trách nhiệm bồi hoàn lại gấp nhiều lần so với số tiền mà nông hộ, doanh nghiệp hỗ trợ… . Các tổ, đội bảo vệ thông báo số điện thoại di động tới nông hộ để thuận tiện liên lạc khi sự cố xảy ra.

Mặt khác, các địa phương vùng Tây Nguyên củng cố, thành lập mới tổ, đội bảo vệ. Nhiều nông hộ có diện tích cà phê liền kề tự nguyện hình thành nhóm bảo vệ để luân phiên ngày, đêm tuần tra, bảo vệ vườn cà phê, cấm người lạ mặt vào các lô cà phê.

Các địa bàn trọng điểm cà phê vùng cà phê của tỉnh Tây Nguyên quản lý tốt nhân khẩu, lao động làm thuê thời vụ, yêu cầu đăng ký tạm trú, tạm vắng với các tổ tự quản ở thôn, buôn, khối phố. Các cơ sở thu mua cà phê được vận động ký cam kết không thu mua sản phẩm cà phê xanh non, cà phê không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Những năm trước đây, đến mùa thu hoạch cà phê, các xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Hòa Đông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), xã Đức Minh, huyện Đắk Min (Đắk Nông)…xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê trên nương rẫy. Các nông hộ chấp nhận thu hoạch “xanh nhà còn hơn già đồng” để tránh thiệt hại.

Từ hai năm trở lại đây, thực hiện việc “hợp đồng “ với lực lượng công an, xã đội nên các nông hộ yên tâm để vườn cà phê đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới thu hoạch đại trà.

Trước đây, cứ đến đầu tháng 10, gia đình anh Y Long Niê, ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk thuê 4 lao động để trông coi, canh giữ 2,5 ha cà phê bắt đầu chín bói. Tuy nhiên, công an và xã đội bảo vệ cà phê cho dân thì gia đình anh yên tâm để cà phê chín đều trên nương rẫy khi đạt tỷ lệ từ 90% trở lên mới thu hoạch.

Cách làm này giúp gia đình anh tiết kiệm hàng chục triệu đồng, đạt năng suất, chất lượng cà phê nhân, giảm thất thoát cà phê sau thu hoạch, vườn cây không bị hư hỏng…

Anh Nguyễn Hồng Hải, thôn Hòa Thắng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, gia đình tự nguyện hỗ trợ lực lượng dân phòng của xã trong mùa thu hoạch hơn 300.000 đồng (45.000 đồng/sào) để tuần tra bảo vệ nên 0,7 ha cà phê kinh doanh nằm gần trục đường giao thông vẫn an toàn không bị trộm cắp…

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 597.363 ha cà phê; trong đó, 548.533 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch trong niên vụ này. Sản lượng ước gần 1,4 triệu tấn cà phê nhân./.

>>>Thông tin về việc tư thương mua lá cà phê giá cao bất thường là không đúng sự thật

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục