Bất cập từ những lối thoát hiểm ở khu dân cư, khu nhà phố

17:15' - 05/12/2023
BNEWS Đối với những ngôi nhà bị chiếm dụng hết lối thoát hiểm, việc mở cửa thoát hiểm là không thể. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phía sau nhà có lối thoát hiểm nhưng việc mở cửa hậu không hề dễ dàng.

Trước tình hình xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, không ít người dân ở tỉnh Đồng Tháp, nhất là những hộ đang sinh sống trong những khu dân cư, khu nhà ở đô thị rất lo lắng vì không gian nhiều lối thoát hiểm công cộng bị lấn chiếm, thậm chí chiếm dụng, xây dựng công trình, bịt kín lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy hiểm khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

 

Phía sau dãy nhà; trong đó, có những ngôi nhà cao tầng đối diện Chợ Mỹ Phú (phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh) có lối thoát hiểm rộng khoảng 1,5 m, nối đường Phan Văn Cử với đường Điện Biên Phủ. Theo thời gian, một số hộ ở đây đã lấn chiếm không gian lối thoát hiểm để sử dụng vào mục đích riêng như lắp mái che, xây dựng rào để chứa củi, vật dụng gia đình, làm chuồng nuôi chó… nên công năng vốn có của lối thoát hiểm dần bị mất đi.

Gia đình ông N.C đang ở trong ngôi nhà 3 tầng tại khu vực đối diện Chợ Mỹ Phú. Theo ông N.C, tầng trệt của nhà ông có xây dựng cửa thoát hiểm phía sau thông ra lối thoát hiểm. Tuy nhiên hiện nay, lối thoát hiểm công cộng sau nhà bị lấn chiếm, khi xảy ra sự cố cháy, việc chạy thoát thân rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Mấy tháng qua, một số tỉnh, thành phố xảy ra những vụ cháy làm nhiều người chết thương tâm, thiệt hại lớn về tài sản nên ông rất bất an.

Tương tự như ở thành phố Cao Lãnh, nhiều ngôi nhà cao tầng ở thành phố Sa Đéc cũng không có lối thoát hiểm phía sau hoặc có lối thoát hiểm nhưng bị chiếm dụng. Hẻm 36, đường Lê Thánh Tôn, khóm 1, Phường 2, thành phố Sa Đéc là lối thoát hiểm của nhiều gia đình nhưng lại bị bịt kín ở giữa vì có công trình xây dựng chắn ngang. Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ Phường 2, thành phố Sa Đéc) cho hay, năm 1996, bà mua ngôi nhà có cửa trước giáp đường Lê Thánh Tôn, phía sau giáp hẻm 36. Trước đây, hẻm này thông thoáng, dần dần có người xây dựng công trình kiên cố ở giữa nên hẻm bị bịt kín một đầu.

Đối với những ngôi nhà bị chiếm dụng hết lối thoát hiểm, việc mở cửa thoát hiểm là không thể. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phía sau nhà có lối thoát hiểm nhưng việc mở cửa hậu không hề dễ dàng. Ngôi nhà 3 tầng của ông Nguyễn Phú Hạnh (ngụ Phường 2, thành phố Sa Đéc) có mặt trước giáp đường Lê Thánh Tôn, mặt sau giáp hẻm 36 nhưng nhiều năm qua, ngôi nhà này không có cửa thoát hiểm phía sau.

Ông Hạnh chia sẻ, thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ cháy, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là những ngôi nhà cao tầng dạng ống như nhà của ông. Ông Hạnh rất lo lắng nên khoảng tháng 4/2023, ông đã thuê người đục vách tường để mở cửa thoát hiểm ra hẻm 36 (còn rộng chưa tới 1 m) nhưng bị gia đình bà L ở đối diện ngăn cản, không cho thực hiện.

Để mở cửa thoát hiểm, ông Hạnh đã gửi đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng đến Phòng Quản lý Đô thị thành phố Sa Đéc. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý Đô thị thành phố Sa Đéc, căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 98, Luật Xây dựng năm 2014 về điều chỉnh giấy phép xây dựng; đối chiếu bản vẽ thiết kế xây dựng đề nghị điều chỉnh và Giấy phép xây dựng số 55/GPXD của UBND thành phố Sa Đéc thì việc ông Hạnh mở cửa thoát hiểm ra hẻm công cộng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Theo ông Hạnh, gia đình bà L không đồng ý cho ông mở cửa thoát hiểm vì không muốn cửa thoát hiểm đối diện cửa sổ của nhà bà L. Việc tranh chấp liên quan tới mở cửa thoát hiểm giữa hộ ông Hạnh và bà L đã được UBND Phường 2 đưa ra hòa giải 2 lần nhưng không thành. Ông Hạnh và vợ, con cùng người thân (tổng cộng 8 người) đang sống trong ngôi nhà. Ông rất mong cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc, giải quyết đúng pháp luật và sớm được mở cửa sau để gia đình an tâm sinh sống. Vì đã gần 9 tháng trôi qua, đến nay, ông Hạnh vẫn chưa thể thực hiện mở cửa thoát hiểm.

Trong khi đó, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã yêu cầu UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, vận động 100% nhà từ 2 tầng trở lên có lối thoát hiểm thứ 2; hộ gia đình tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy; mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân ở các khu dân cư.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố cần tiếp tục triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện những điều kiện an toàn hệ thống điện; hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có sự cố, tai nạn, cháy xảy ra; rà soát, đảm bảo hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo phân công, phân cấp quản lý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục