Bất cập vận tải khách liên tỉnh (Bài cuối): Đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh vi phạm

13:00' - 16/11/2018
BNEWS Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được xử lý triệt để.
Bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: TTXVN
Khi lực lượng chức năng thiếu kiểm tra, giám sát thì các vi phạm tái diễn và các biến tướng ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và gây bức xúc trong dư luận. 

* Nhiều nguyên nhân 

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, còn có kẽ hở để doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe lợi dụng. 

Cụ thể, chưa quy định rõ về hành vi vi phạm của các phương tiện “trá hình” vận chuyển khách như tuyến cố định (xe khách trá hình, xe dù) nên việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Điều kiện hoạt động kinh doanh và quy định đối với loại hình xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản, dễ đáp ứng hơn so với các loại hình vận tải khác như kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi. 

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn gặp một số khó khăn trong thực thi nhiệm vụ như theo quy định xe hợp đồng loại dưới 10 chỗ không bị hạn chế đi vào phố nên các xe này vẫn dừng, đỗ đón, trả khách tại khu vực không cấm dừng, đỗ xe. Các nhà xe đối phó bằng cách ghi chép đầy đủ thông tin hợp đồng vận chuyển gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý vi phạm đúng với bản chất sự việc. 

Bên cạnh đó là ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị vận tải, lái xe và một bộ phận hành khách chưa cao (hành khách có nhu cầu đi xe nhưng không vào bến mua vé mà tìm đến các vị trí đón xe dọc đường). Hệ thống theo dõi giám sát hành trình chưa tự động cảnh báo hành vi chạy sai hành trình, phải dùng các biện pháp thủ công, công cụ xử lý qua thiết bị camera chưa được đầu tư đồng bộ. 

Trong khi đó, các lực lượng chức năng như Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát trật tự…còn mỏng nên các doanh nghiệp, lái xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát vẫn cố tình vi phạm. 

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt. Việc phối hợp kiểm tra, xử lý còn hạn chế; lực lượng tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm còn mỏng. 

* Đồng bộ các giải pháp 

Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 4 năm nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình không phải chuyện bây giờ mới nói. Tuy nhiên cứ khi nào, chỗ nào lực lượng chức năng mạnh tay không có đất phát triển, còn “lỏng lẻo” là lại hoành hành. 

Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nếu chỉ đạo suông là tăng cường kiểm tra xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình sẽ rất khó. Vì vậy, cần phải quy rõ trách nhiệm trong thực thi công vụ như: thẩm quyền của thanh tra đến đâu, địa phương đến đâu, của Cảnh sát Giao thông thế nào cần quy định rõ. 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành đúng các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, duy trì sắp xếp hợp lý luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tập trung kết nối vào các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố. 

Việc trung chuyển hành khách từ các bến xe khách liên tỉnh vào khu vực trung tâm thành phố và trung chuyển giữa các bến xe khách liên tỉnh sẽ do hệ thống xe buýt và các phương tiện giao thông nội đô đảm nhận. 

Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải sẽ rà soát bố trí tăng cường các tuyến buýt kết nối các bến xe Giáp Bát, Nước ngầm với trung tâm và khu vực các quận phía Tây, Tây Bắc thành phố để tạo thuận lợi cho người dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đi lên thành phố và ngược lại được thuận lợi. 

Hiện nay, loại hình xe hợp đồng Limousine thường hoạt động quay vòng trong ngày với cự ly dưới 200 km. Việc tăng cường xe buýt kết nối bến xe Giáp Bát, bến xe Nước ngầm với khu vực trung tâm và khu vực các quận phía Tây, Tây Bắc thành phố sẽ góp phần hạn chế xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định do lưu lượng hành khách di chuyển theo hướng này rất lớn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách... 

Để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện để Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; trong đó, cần tăng cường các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để tránh tình trạng các nhà xe đăng ký hoạt động “vận tải hành khách theo hợp đồng” nhưng hoạt động như tuyến cố định; xe hợp đồng hoạt động như taxi; xe hợp đồng hoạt động như xe du lịch. 

Bộ Giao thông Vận tải ban hành văn bản cụ thể quy định về việc xử lý phạt nguội áp dụng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông để Sở Giao thông Vận tải tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát, trích xuất dữ liệu tại các tuyến đường xung quanh các bến xe, trên các tuyến đường, phố có phương tiện vận tải hành khách thường xuyên vi phạm. 

Cùng đó, điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải khách tuyến cố định thông qua Hà Nội (tuyến không có điểm đầu, cuối tại Hà Nội) theo hướng: các phương tiện này không đi qua bến xe Mỹ Đình, đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng mà đi theo hướng tuyến Cầu Thanh Trì – Vành đai 3, cầu Đông Trù (quận Long Biên) lên các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc. 

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố và lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong công tác kiểm tra, hậu kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn, thường xuyên thông tin tình hình vi phạm để kịp thời xử lý theo quy định. 

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; trong đó bổ sung quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký (doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp và văn phòng đại diện) đối với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vận tải để xảy ra việc mất trật tự an toàn giao thông tại địa chỉ, khu vực đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thống nhất quản lý thông tin của hợp đồng vận chuyển hành khách đối với xe hợp đồng bằng phần mềm đăng ký thống nhất trên cả nước để các cơ quan, đơn vị có liên quan, có thể kiểm tra trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. 

Với các giải pháp mang tính tổng thể và sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng như mọi người dân thì tình trạng "xe dù", "bến cóc", xe hợp đồng "trá hình" chạy tuyến cố định mới hy vọng được giải quyết triệt để./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục