Bất chấp dịch bệnh, các hãng Honda, Toshiba của Nhật Bản vẫn "ăn nên làm ra"

20:04' - 14/05/2021
BNEWS Bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, tập đoàn Honda Motor (Nhật Bản) cho biết lợi nhuận ròng hằng năm của hãng đã tăng hơn 40% nhờ những nỗ lực cắt giảm chi phí.

Cụ thể, trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 3/2021, Honda ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 657,4 tỷ yen (6 tỷ USD), tăng 44,3% và cao hơn mức dự báo 465 tỷ yen mà hãng đưa ra trước đó.

Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động trong cùng thời gian là 660,21 tỷ yen, tăng 4,2%, nhờ việc cắt giảm các khoản dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính. Doanh thu bán hàng giảm 11,8% xuống còn 13.170 tỷ yen.

Tuy nhiên, hãng dự báo lợi nhuận ròng trong tài khóa 2021 kết thúc vào tháng 3/2022 sẽ giảm 10,3% xuống còn 590 tỷ yen (5,4 tỷ USD) do nguồn cung chất bán dẫn không ổn định và chi phí vật liệu tăng cao.

Trong tài khóa 2021, Honda đặt mục tiêu bán 5 triệu xe ô tô trên toàn cầu vì nhu cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi sau đại dịch COVID-19, sau khi doanh số bán xe giảm 5,1% xuống còn 4,55 triệu xe trong tài khóa 2020. Honda cũng dự kiến sẽ bán được 18 triệu xe máy trong tài khóa hiện tại, tăng từ mức 15,13 triệu xe.

Trong khi đó, đối thủ của Honda là tập đoàn Toyota, ghi nhận mức lợi nhuận ròng hằng năm đạt 2.250 tỷ yen.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, do nhu cầu gia tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đang phủ bóng đen lên ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới. Các chip máy tính được sử dụng trong mọi thứ, từ máy tính xách tay đến máy chơi game và ô tô. Giá cả hàng hóa tăng vọt cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Cùng ngày, hãng sản xuất hàng điện tử Toshiba Corp. của Nhật Bản thông báo lợi nhuận ròng đạt 114 tỷ yen (1 tỷ USD) trong tài khóa 2020, vượt mục tiêu đề ra. Lý do là vì hãng đã thực hiện một kế hoạch tái cơ cấu hiệu quả. Trong tài khóa 2019 (kết thúc vào tháng 3/2020), tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ ròng 114,6 tỷ yen.

Toshiba cho biết mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng Nhật Bản thận trọng hơn trước mỗi quyết định chi tiêu, song vốn đầu tư đã được cải thiện và hoạt động xuất khẩu đã tăng lên. Toshiba cũng công bố kế hoạch thiết lập một "ủy ban đánh giá chiến lược", độc lập với bộ phận quản lý, nhằm tăng cường năng lực quản lý và truyền đạt các quyết định của hội đồng quản trị tới cổ đông./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục