Bầu cử Mỹ 2020: Các chính sách then chốt của Tổng thống Donald Trump (Phần 2)

05:30' - 14/09/2020
BNEWS Ông Trump cũng có những thành công trong chính sách đối ngoại, gần đây đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

* “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại

Như với thương mại, ông Trump cũng đã hứa đặt “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thực tế là nước Mỹ đã rút khỏi một số hiệp định đa phương lớn như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hoặc rút lui khỏi một số tổ chức đa phương, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Ông Trump cũng đã thách thức một số liên minh quốc tế, thúc đẩy các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng trong liên minh quân sự này. Và gần đây ông nhắc lại lời hứa sẽ giảm quân số của Mỹ ở nước ngoài, hiện đang ở mức ngang bằng thời điểm ông nhậm chức, đặc biệt là ở những nơi như Đức và Afghanistan. Giới phê bình cho rằng ông đã tạo ra căng thẳng với các đồng minh thân cận lịch sử của Mỹ trong khi tiếp cận với các đối thủ như Triều Tiên và Nga.

Ông Trump cũng có những thành công trong chính sách đối ngoại, gần đây đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

* Xây tường và hạn chế nhập cư

Những lời hứa hạn chế nhập cư đã trở thành nền tảng cho sự nghiệp chính trị của Tổng thống Trump. Giờ đây, khi vận động tái tranh cử, ông hứa sẽ tiếp tục xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico, mà cho đến nay ông đã bảo đảm kinh phí cho 445 dặm (716 km) của hàng rào 722 dặm này.

Ông cũng cam kết sẽ loại bỏ chương trình Thị thực diện trúng thưởng (mỗi năm Mỹ mở thưởng xổ số để xét cấp 55.000 thị thực định cư) và di cư theo chuỗi (nhập cư vào Mỹ dựa trên quan hệ gia đình) và chuyển sang hệ thống nhập cảnh “dựa trên thành tích”.

Kế hoạch cải cách nhập cư của ông Trump đã đối mặt với thất bại vào mùa Hè này khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống lại nỗ lực hủy bỏ Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA).

* Giảm giá thuốc, chấm dứt Đạo luật Obamacare

Ông Trump vận động tranh cử năm 2016 dựa trên việc bãi bỏ đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), còn gọi là Obamacare do cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra. Mặc dù không thể bãi bỏ hoàn toàn, chính quyền Tổng thống Trump đã thành công trong việc hủy bỏ các phần của luật đó, gồm quy định bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế, nếu không phải nộp phạt thuế.

Tổng thống Trump cũng hứa sẽ hạ giá thuốc ở Mỹ. Vào tháng Bảy vừa qua, ông đưa ra các biện pháp cho phép giảm giá và nhập khẩu thuốc rẻ hơn từ nước ngoài, mặc dù một số nhà phân tích trong ngành cho rằng những biện pháp này sẽ không có nhiều tác dụng.

Ông tuyên bố cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện opioid là tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia vào năm 2017 và cung cấp 1,8 tỷ USD tài trợ liên bang cho các tiểu bang để thực hiện biện pháp phòng ngừa, điều trị và phục hồi. Ông cũng thực hiện các bước để hạn chế kê đơn opioid.

Nhưng giới phê bình cho rằng nỗ lực liên tục nhằm xóa bỏ Obamacare, vốn giúp đưa bảo hiểm y tế đến cho hàng triệu người, sẽ gây bất lợi cho cuộc chiến với cuộc khủng hoảng opioid.

* Thúc đẩy ngành năng lượng Mỹ

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hàng trăm cam kết bảo vệ môi trường, như giới hạn lượng khí thải CO2 từ các nhà máy điện và phương tiện giao thông, cũng như bảo vệ các tuyến đường thủy liên bang trên khắp đất nước, thực hiện lời hứa tranh cử từ năm 2016.

Ông cũng rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi nói rằng thỏa thuận này gây bất lợi cho Mỹ “vì lợi ích riêng của các nước khác”. Việc rút lui đó sẽ chỉ chính thức hoàn tất sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Gần đây nhất, chính quyền của ông Trump đã phê duyệt các dự án khoan dầu khí tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực (ANWR) ở Alaska, nơi hoạt động khoan dầu đã bị hạn chế trong nhiều thập niên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục