Báu vật khảo cổ Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng mạnh với công chúng Đức

08:33' - 01/04/2017
BNEWS Các báu vật khảo cổ của Việt Nam lại tiếp tục đến với công chúng Đức tại Bảo tàng Khảo cổ thành phố Chemnitz, bang Sachsen.
Trưng bày Ấn triện vàng của Hoàng đế Minh Mạng tại Triển lãm. Ảnh: Phạm Văn Thắng - PV TTXVN tại Đức

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sau thành công của Triển lãm tại Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne, bang Nordrhein-Westfalen, các báu vật khảo cổ của Việt Nam lại tiếp tục đến với công chúng Đức tại Bảo tàng Khảo cổ thành phố Chemnitz, bang Sachsen.

Triển lãm "Báu vật khảo cổ Việt Nam" đã chính thức khai mạc vào chiều tối ngày 30/3 (giờ địa phương) tại Bảo tàng khảo cổ thành phố Chemnitz, bang Sachsen và sẽ mở cửa đón khách bắt đầu từ ngày 31/3 cho đến ngày 20/8.

Tới dự lễ khai mạc triển lãm có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Sachsen, Tiến sĩ Eva Maria Stange, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Đại diện Viện Goethe Hà Nội, bà Trần Thị Hòa Bình, cùng hơn 500 khách tham quan.

Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc Bảo tàng khảo cổ thành phố Chemnitz, Tiến sĩ Sabine Wolfram bày tỏ niềm tự hào khi bảo tàng lần đầu tiên được đón nhận và tổ chức trưng bày những báu vật khảo cổ của Việt Nam, đồng thời xem đây là một cơ hội quý giá để người Đức cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sống tại Đức được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật giá trị, qua đó hiểu thêm về truyền thống lịch sử - văn hóa của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng (giữa) và Giám đốc Bảo tàng Khảo cổ Chemnitz Sabine Wolfram (trái) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Sachsen Eva Maria Stange về đàn đá. Ảnh: Phạm Văn Thắng - PV TTXVN tại Đức

Theo bà Wolfram, Bảo tàng khảo cổ thành phố Chemnitz đã chuẩn bị cho triển lãm này suốt 10 năm qua. Việc vận chuyển và bảo quản các báu vật khảo cổ gặp rất nhiều khó khăn, và chỉ nhờ sự tin tưởng, giúp đỡ tận tình từ giới khoa học khảo cổ của hai nước, triển lãm mới có thể diễn ra.

Đánh giá cao những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống của Việt Nam thông qua các báu vật khảo cổ, bà Wolfram tin tưởng rằng triển lãm lần này sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của triển lãm, đồng thời giới thiệu với khách tham quan nước ngoài dự lễ khai mạc những ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh đó, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng tái khẳng định tình hữu nghị, quan hệ truyền thống Việt Nam - Đức, đồng thời nhấn mạnh Triển lãm báu vật khảo cổ Việt Nam là sự kiện triển lãm lần đầu tiên được sự ủng hộ từ Chính phủ hai nước.

Trưng bày trống đồng Đông Sơn tại Triển lãm. Ảnh: Phạm Văn Thắng - PV TTXVN tại Đức

Bảo tàng khảo cổ thành phố Chemnitz đã dành nguyên tầng 4, nơi tổ chức các buổi triển lãm đặc biệt, để trưng bày báu vật khảo cổ của Việt Nam. Trên diện tích 1.000 m2, 400 cổ vật khảo cổ Việt Nam được trưng bày theo ba chủ đề gồm Thời Tiền sử, Thánh địa Mỹ Sơn và Hoàng thành Thăng Long.

Trong ngày khai mạc, hơn 500 khách tham quan đã bị thu hút trước sự hấp dẫn của các báu vật khảo cổ Việt Nam, từ trống đồng Đông Sơn, văn hóa Chăm-pa đến mộ thuyền Việt Khê.

Trước khi đến Chemnitz, các báu vật khảo cổ Việt Nam đã được trưng bày tại Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne, thu hút hơn 50.000 khách tham quan trong khoảng thời gian từ 7/10/2016 đến 26/2/2017.

Nữ thần Lakshmi - biểu tượng điêu khắc quen thuộc trong văn hóa Chăm-pa. Ảnh: Phạm Văn Thắng - PV TTXVN tại Đức

Sau Chemnitz, các báu vật khảo cổ Việt Nam sẽ tiếp tục đến với công chúng ở bang Baden-Württemberg từ 16/9/2017 đến 7/1/2018, điểm dừng chân cuối cùng trên đất Đức. Triển lãm Báu vật khảo cổ Việt Nam tại Đức nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức, được Bộ trưởng Ngoại giao Đức, nay là Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bảo trợ./.

>>> Phát hiện thành phố cổ đại Ai Cập hơn 7.000 năm tuổi

>>> Saudi Arabia phát hiện mẩu xương người cổ xưa nhất

>>> Thực hư ngôi mộ mới tìm thấy nghi của triết gia Aristotle

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục