Bệ đỡ vững chắc giúp người nghèo vươn lên

09:11' - 24/09/2022
BNEWS Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến nay đã tròn 20 năm.

Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã đưa các nguồn vốn ưu đãi đến với hàng nghìn người dân, nhất là hộ nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, trở thành bệ đỡ giúp người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh có phương tiện mưu sinh, phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo.

 

Chỗ dựa vững chắc

Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến nay đã tròn 20 năm. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng khác đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận đã mở rộng ra 18 chương trình với những mục tiêu “trợ lực”, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống.

Sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình tín dụng chinh sách ưu đã tạo động lực, thúc đẩy người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có từng bước thay đổi nhận thức với việc vay và trả nợ ngân hàng đúng thời hạn.

Gia đình chị Thông Thị Hớn, ở khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc từng thuộc diện hộ dân tộc thiểu số nghèo với cuộc sống chật vật quanh năm. Chị Hớn cho biết, thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương và ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để mua hai con bò.

Nhờ chịu khó lao động nên chị chăn nuôi thành công, bò sinh sản và cho lứa đầu tiên xuất chuồng. Tới kỳ hạn, từ tiền bán bò con chị trả nợ đủ số tiền cho ngân hàng và tiếp tục được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ chương trình vốn giải quyết việc làm để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Đến nay, đàn bò đã phát triển lên thành 12 con với giá trị hàng trăm triệu đồng. Thu nhập từng bước ổn định, gia đình chị Hớn thoát nguy cơ tái nghèo, có điều kiện nuôi các con ăn học…

Còn đối với gia đình chị Hồ Thị Huyền, thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc thì nguồn vốn từ tín dụng chính sách thật sự là cứu cánh, giúp các con của chị được tiếp sức đến trường trong lúc khó khăn nhất. Chị Huyền chia sẻ, do chỉ có vỏn vẹn mấy sào đất sản xuất nông nghiệp nên vợ chồng phải đi làm thuê, ai gọi gì làm đó nhưng với đồng tiền ít ỏi cũng không đủ chi tiêu cuộc sống cho 5 người trong nhà.

Năm 2018, con trai lớn của chị Huyền là cháu Nguyễn Duy Khải thi đỗ vào trường đại học, bà con làng xóm, họ hàng và gia đình ai nấy cũng tự hào, vui mừng. Nhưng xen lẫn trong niềm hân hoan đó, vợ chồng chị cũng không khỏi lo lắng vì các khoản tiền theo giấy báo nhập học quá lớn, không biết lấy gì để nộp cho con.

Nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của Tổ vay vốn Hội nông dân xã, gia đình được tạo điều kiện vay 60 triệu đồng đủ cho cháu theo 4 năm học. Tiếp đó, gia đình chị mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và 20 triệu để sửa chữa nhà vệ sinh, bắt nước sạch.

Chị Huyền phấn khởi cho biết, từ lúc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, cuộc sống gia đình đã có chuyển biến rõ rệt. Có nước sạch, công trình vệ sinh sức khỏe gia đình đảm bảo. Từ 2 con bò đến nay số lượng tăng dần và nhờ tiền xuất bán bò, gia đình đầu tư thêm trồng cây ăn trái.

Hạnh phúc hơn hết là tháng 9 năm nay, con trai lớn cũng tốt nghiệp đại học. Nếu không có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thì gia đình sẽ không bao giờ thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự khổ cực và không có tri thức.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận, trong 20 năm qua, toàn tỉnh đã giải ngân đến hơn 590 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 10.500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 6.970 tỷ đồng. Tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng đến ngày 31/7/2022 đạt 3.670 tỷ đồng tăng 3.536 tỷ đồng so với năm 2002.

Chặng đường 20 năm qua, thông qua mạng lưới 2.298 tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Từ đó, kịp thời góp phần giúp cho hơn 61.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 67 nghìn người; giúp trên 65 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; cải tạo 341 nghìn công trình vệ sinh nước sạch…

Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho trên 14.000 lượt người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Bà Võ Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, kết quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế- xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,96% (năm 2002) xuống còn 3,16% (cuối năm 2021).

Tiếp tục đồng hành

Bên cạnh những kết quả kể trên, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn những khó khăn vướng mắc, tồn tại. Cụ thể, nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người dân, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ việc làm.

Dù hiệu quả tín dụng chính sách mang lại khá ấn tượng nhưng chất lượng tín dụng chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc phối hợp lồng ghép giữa các chương trình tín dụng với các hoạt động khuyến công, khuyến nông chưa đồng bộ…

Xác định tín dụng chính sách xã hội là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để tỉnh  thực lợi thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, phục hồi và phát triển kinh tế, Bình Thuận đặt ra mục tiêu tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chủ trương và định hướng của Chính phủ; phát triển Ngân hàng chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện do Ngân hàng chính sách xã hội cung cấp. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đê cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm 15- 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội hằng năm.

Theo bà Võ Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, trong thời gian sắp tới, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh sẽ tập trung khai thác nguồn lực của Trung ương và địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chương trình, dự án chuyển đổi ngành nghề, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Bên cạnh đó, ngân hàng triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn. Đồng thời gắn việc triển khai tín dụng chính sách với các chủ trương, định hướng của địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Song song đó, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại xã…

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy biểu dương những nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị xã hội, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã đạt được kết quả với những con số ấn tượng trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4 tháng 10 năm 2002 của Chính Phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nổi rõ là nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cần tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giảm nghèo bền vững đến năm 2030; tập trung thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội, tính dụng chính sách xã hội nên phấn đấu để hoạt động này không dừng lại ở khâu vay và cho vay mà còn có hình thức giúp người vay sử dụng nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh… Điều này cần sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân./. 

>>>Cải thiện điều kiện sống của người nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục