"Bến đỗ an toàn" mở lối cho vàng

09:49' - 16/05/2023
BNEWS Giá vàng thế giới đang tiến gần đến mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh nhu cầu tăng trở lại tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.

Thêm vào đó, nỗi lo về thể trạng của các ngân hàng khu vực tại Mỹ càng thúc đẩy đà khởi sắc kéo dài sáu tháng qua của kim loại quý này

* Giá vàng áp sát mức cao kỷ lục

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), người tiêu dùng tại Trung Quốc đổ xô mua vàng trong ba tháng đầu năm nay sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Nhu cầu trang sức của Trung Quốc trong quý I/2023 lên tới 198 tấn, mức cao nhất kể từ quý I/2015 khi nước này dỡ bỏ chính sách hạn chế do dịch COVID-19 thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sau sự phá sản của hai ngân hàng khu vực cũng khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một công cụ bảo toàn nguồn vốn trong những thời kỳ bất ổn. Những người mua tại Mỹ đã mua 32 tấn vàng miếng và tiền xu, mức cao nhất trong bất kỳ quý nào kể từ năm 2010, do lo ngại về bất ổn trong ngành ngân hàng và kinh tế.

Diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ngân hàng của Mỹ, khi ngân hàng PacWest cho biết đang cân nhắc việc bán lại để đảm bảo tương lai của ngân hàng này, đã đẩy giá vàng áp sát mức cao kỷ lục 2.072 USD/ounce trong phiên 4/5. Sự khởi sắc mạnh mẽ gần đây của giá vàng còn được thúc đẩy bởi những ẩn ý từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng đợt nâng lãi suất trong cuộc họp tháng Năm vừa qua có thể là lần tăng cuối cùng.

Giá vàng đã tăng trở lại kể từ tháng 11 năm ngoái, nhờ khối lượng mua vào cao kỷ lục, 1.087 tấn, của các ngân hàng trung ương trong cả năm. Xu hướng mua vào này còn kéo dài sang năm nay, với con số kỷ lục 228 tấn trong quý I. Các ngân hàng trung ương quản lý hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối đang tăng cường mua vàng khi căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine (U-crai-na) buộc họ phải xem xét lại các chiến lược đầu tư.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã mua 62 tấn vàng vào tháng 11 và 12/2022, đưa tổng lượng vàng dự trữ lần đầu tiên vượt mức 2.000 tấn. Lượng vàng dự trữ chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 148 tấn lên 542 tấn trong năm ngoái. Các nước Trung Đông và Trung Á cũng tích cực mua vàng trong năm 2022.

Tuy nhiên, giá vàng cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu và thúc đẩy hoạt động bán chốt lời. Trong báo cáo xu hướng nhu cầu hàng quý mới nhất, WGC cho hay tổng nhu cầu vàng trong quý I/2023 giảm 13% so với quý I/2022 xuống 1.081 tấn.

* Đà khởi sắc liệu có tiếp diễn?

Ông John Reade, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của WGC, cho rằng giá vàng có tiếp tục tăng hay không còn phụ thuộc vào diễn biến của đồng USD, thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất và việc giới đầu tư có nhận thấy những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng đang dịu xuống hay không.

Thị trường đang dự đoán xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng Sáu là 82% và xác suất ngân hàng này hạ lãi suất vào tháng Bảy là 33%.

Bên cạnh đó, những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng vỡ nợ của Mỹ cũng đang tác động đến đồng USD, sau khi cuộc họp được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các quan chức khác trong Quốc hội Mỹ mới đây đã không thể phá vỡ thế bế tắc trong việc nâng mức trần nợ 31.400 tỷ USD của nước này.

Giá vàng có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi những nguy cơ liên quan đến khả năng vỡ nợ nói trên của Mỹ, yếu tố có thể lấn át bất cứ tác động tiêu cực nào từ những diễn biến lạm phát đối với giá vàng.

Cùng với đó, WGC dự báo nhu cầu đầu tư có thể sẽ tăng trong năm nay và lực mua của ngân hàng trung ương sẽ vẫn mạnh, mặc dù thấp hơn mức cao của năm ngoái. Một khảo sát thường niên với 83 ngân hàng trung ương hiện quản lý tổng cộng 7.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối cho thấy hơn 2/3 số ngân hàng cho biết các nhà quản lý sẽ tăng lượng vàng nắm giữ trong năm 2023.

Tuy nhiên, nhà phân tích Krishan Gopaul của WGC cho biết việc các nhà đầu tư tích trữ vàng có thể khiến giá kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể làm giảm nhu cầu ở các quốc gia như Ấn Độ, nơi người tiêu dùng thường không thích giá cao. Nhu cầu vàng của Ấn Độ trong quý I/2023 đã giảm 17% xuống mức thấp nhất trong 10 quý và có khả năng sẽ tiếp tục giảm ngay cả trong quý III và IV khi giá vàng lên cao kỷ lục.

Lượng mua ít hơn ở quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới có thể hạn chế đà tăng của giá vàng thế giới. Nhu cầu nhập khẩu vàng giảm cũng có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Ấn Độ và hỗ trợ đồng rupee.

WGC cho biết nhu cầu tại Ấn Độ trong quý I đã giảm xuống 112,5 tấn do cả nhu cầu về trang sức lẫn đầu tư đều giảm do giá trong nước tăng, khi đạt mức cao kỷ lục 61.845 rupee (757,38 USD)/10 gam trong phiên 4/5. Ông Somasundaram PR, quan chức phụ trách Ấn Độ của WGC, dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục yếu trong hai quý tới.

Theo YLG Bullion International Co, công ty sản xuất và xuất khẩu đồ trang sức bằng vàng và đá quý hàng đầu Thái Lan, hầu hết người châu Á, bao gồm cả người Trung Quốc và Ấn Độ, đều ưa chuộng sở hữu vàng như một loại tài sản. Thái Lan hiện là nước mua vàng lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Pawan Nawawattanasap, Giám đốc điều hành YLG, nhận định khi giá vàng giảm, các nhà đầu tư có thể tích trữ kim loại quý này trong trung và dài hạn. Xu hướng giá có thể sẽ đi lên do nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu.

Ông Brian Lan, Tổng giám đốc công ty môi giới giao dịch GoldSilver Central (Singapore), nói rằng mặc dù vàng có thể bị bán chốt lời trong thời gian tới nhưng triển vọng tăng giá là không nhỏ do các rủi ro về kinh tế ngày càng lớn.

Còn theo Giám đốc chiến lược vàng George Milling-Stanley tại hãng quản lý đầu tư State Street Global Advisors (Mỹ), vàng vẫn hấp dẫn bởi nhu cầu "trú ẩn an toàn" khá cao, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra chưa biết khi nào mới kết thúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục