Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Sử dụng "vốn mồi" để hút nguồn lực xã hội

18:02' - 21/10/2016
BNEWS Theo báo cáo của Chính phủ, nguồn lực thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn này dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, khả năng huy động nguồn lực bổ sung rất hạn chế.

Bởi vậy, sẽ hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ ngân sách nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngày 21/10, bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên BNEWS đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Đoàn Ninh Bình): Sử dụng "vốn mồi" để thu hút nguồn vốn xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Đoàn Ninh Bình). Ảnh: Phương Hoa-TTXVN

Trong kế hoạch tài chính 5 năm có tính ra tổng thu, tổng chi nhưng tất nhiên cũng là định hướng; trong đó, dự định dành ra 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư.

Con số hơn 10 triệu tỷ đồng là dự kiến cả phần huy động xã hội. Tái cơ cấu đầu tư công phải tính đến nhiều việc; trong đó, có sắp xếp lại dự án, đi vào rõ mục tiêu của dự án trọng điểm, dự án cấp bách… Đặc biệt, phải làm sao để số vốn 2 triệu tỷ đồng là “vốn mồi”.

Số vốn này chỉ dùng đầu tư vào những việc mà tư nhân không làm, doanh nghiệp né tránh thì Chính phủ phải thực hiện nhưng để tạo ra những hành lang chính sách mạnh mẽ hơn nhằm thu hút hiệu quả hơn nữa các nguồn lực xã hội tham gia vào. Đây là ý nghĩa của “vốn mồi”.

Trong tái cơ cấu kinh tế, vốn đầu tư của nhà nước càng ngày phải càng tăng, nhưng tỷ trọng vốn đầu tư trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội lại phải giảm xuống. Ví dụ, giai đoạn trước chỉ là 1,4 triệu tỷ đồng thì giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

Tỷ trọng của giai đoạn trước lên đến 41% tổng mức đầu tư xã hội. Nhưng nay, nếu mình làm tốt chính sách huy động vốn từ xã hội thì phải đưa tỷ trọng này xuống dưới 41%.

Ngoài hiệu quả xã hội, vấn đề mục tiêu là tạo động lực thu hút, tăng vốn xã hội.

Vì đây là “vốn mồi” nên khi thu hút được càng nhiều thì tỷ trọng này sẽ giảm xuống, dưới 41%. Số tuyệt đối tăng nhưng tỷ trọng giảm.

Đưa ra cơ cấu này là hợp lý, nhưng vấn đề là chính sách phải thế nào để huy động thực sự hiệu quả vốn từ các nguồn lực xã hội chứ lâu nay tư duy vẫn nặng về vốn nhà nước nhiều.

Nếu dùng vốn nhà nước là chính thì vẫn kéo theo đó là các tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí.

Còn nguồn vốn đầu tư xã hội không sợ lãng phí, tham nhũng bởi vốn tư nhân bỏ ra thì họ giám sát rất chặt chẽ và tốt hơn.

Về việc dùng nguồn lực vốn nhà nước nhất định để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định:

Không dùng ngân sách trực tiếp để xử lý những việc đó. Ngân sách gián tiếp thì có thể. Lâu nay vẫn dùng ngân sách gián tiếp, xử lý nợ xấu bằng cách tăng trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng lên. Điều này thứ nhất sẽ làm chi phí ngân hàng thương mại tăng.

Khi đó, không có cách nào hạ lãi suất thì cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phải chịu thiệt thòi.

Thứ hai là nếu tăng trích lập dự phòng cũng ảnh hưởng tới lợi tức thu nhập của ngân hàng và ảnh hưởng đến ngân sách vì mức thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn là 20-25%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua cũng có thêm những bài học kinh nghiệm, nhất là vấn đề xử lý nợ xấu.

Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được triển khai từ năm 2012 đến nay và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) có nhiệm vụ xử lý nợ xấu là hợp lý.

Tuy nhiên cho đến nay, cần phải nhìn thẳng vào sự thật là nợ xấu chuyển sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời.

Hiện tại, bài toán nợ xấu cần được giải quyết một cách thực chất cho dù tại thời điểm đó giải pháp tạm thời này cũng đã phát huy hiệu quả.

Dư nợ tín dụng từ năm 2012 chỉ ở mức 9% và tăng dần lên 12% ở năm 2013 và 14% ở năm 2014 và 18% ở năm 2015.

Việc đưa nợ xấu vào VAMC đã tạo lưu thông tiền tệ tín dụng, từ đó nền kinh tế tăng trưởng từ 5,25% lên 6,68% năm 2015. Đó là thành công của giải pháp này.

Tuy nhiên, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có giảm xuống, còn 2,68% nhưng nợ xấu của nền kinh tế thì vẫn còn bởi nợ xấu đó chỉ mới chuyển tạm thời từ hệ thống ngân hàng sang VAMC.

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đã nhìn thẳng vào vấn đề này và phải giải quyết một cách thiết thực, tận gốc thì mới đảm bảo xử lý nợ xấu một cách bền vững cũng như an toàn của hệ thống ngân hàng.

Ban đầu, ta tính đến việc xử lý nợ xấu mà VAMC đang tạm thời giữ hộ cho các ngân hàng thương mại, bởi bản thân các đơn vị này đã trích dự phòng.

Nhưng báo cáo về con số trích dự phòng được bao nhiêu phần trăm thì vẫn chưa biết.

Do đó, VAMC cần phải báo cáo chi tiết về số liệu này để xem trong quá trình chuyển về VAMC mà trích 20% thì ngân hàng thương mại đáp ứng được không. Từ đó, mới đánh giá, nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu.

Hiện tại, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang quyết tâm xử lý nợ xấu nhưng đòi hỏi một cơ chế trình tự pháp lý.

Hiện các ngân hàng thương mại nếu thực hiện theo trình tự thông thường thì quá trình xử lý rất chậm.

Do đó, cần phải có một cơ chế liên bộ, nghị quyết liên bộ để giúp cho ngân hàng thương mại xử lý một cách nhanh nhất, bỏ bớt trình tự phát mãi tài sản, đấu giá tài sản của nợ xấu.

Có như vậy, mới có thể giải quyết nhanh bài toán nợ xấu chứ không thể dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu vẫn là một trong những nhiệm vụ được chú trọng trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã khẳng định, kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục