Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV: Luật Cạnh tranh cần quy định cụ thể hơn nữa

14:31' - 15/11/2017
BNEWS Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Đa số các đại biểu đều cho rằng, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này cần phải quy định cụ thể hơn nữa các nội dung, điều, khoản. Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

* Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Cụ thể hoá các nội dung trong Luật

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Trong dự thảo Luật lần này có quy định rất quan trọng, "khi có sự mâu thuẫn giữa Luật này với các Luật chuyên ngành thì phải áp dụng Luật này". Tôi cho rằng, điều đó không phù hợp, trong Luật Cạnh tranh cần phải quy định một số lĩnh vực đặc thù, nhưng ít để Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động can thiệp vào thị trường.

Cụ thể, đối với các lĩnh vực như ngân hàng và viễn thông. Theo như thông lệ quốc tế và hướng dẫn của Asean đều khuyến cáo các quốc gia nên có những loại trừ trong Luật Cạnh tranh đối với một số lĩnh vực đặc biệt mà Nhà nước phải can thiệp. Do đó, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nên bổ sung, sửa đổi quy định này theo hướng như vậy.

Tôi cũng đề nghị, trong Luật Cạnh tranh còn những quy định chung chung cần phải được cụ thể hoá. Đồng thời, nên có một câu trong quy định để khi mọi người, doanh nghiệp tiếp cận Luật này hiểu được rằng, ngoài quyền đưa ra các kiến nghị để xử lý các vụ vi phạm theo trình tự của cơ quan cạnh tranh thì còn có thể kiện ra toà án dân sự.

Mặc dù điều này đã được quy định trong Luật Dân sự, tuy nhiên vẫn cần có thêm một câu như vậy để mọi người có thể bảo vệ quyền lợi của mình và không nhất thiết phải thông qua cơ quan quản lý cạnh tranh.

Đối với cơ quan quản lý cạnh tranh, tôi cho rằng điều quan trọng là tính độc lập và hiệu quả trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến cạnh tranh chứ không phải là nằm ở đâu. Tôi cũng thiên về ý kiến của Chính phủ, cơ quan cạnh tranh có thể nằm ở Bộ Công Thương nhưng phải đảm bảo tính độc lập và hiệu quả cao hơn là thành lập một cơ quan mới của Chính phủ.

* Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An): Cần bổ sung các quy định khác cho phù hợp thực tế

* Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đối với cơ quan quản lý hành chính, tôi đồng tình theo ý kiến của Chính phủ. Đó là cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương. Bởi, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy mới và tinh giản biên chế.

Thực tiễn trong thời gian qua, trách nhiệm hoạt động cũng như tính chuyên nghiệp của cơ quan hành chính là điều cần phải lưu ý. Rất nhiều vấn đề qua báo cáo, tồn tại đó một phần là do chưa làm tốt trách nhiệm của mình.

Để giảm thiểu các vi phạm liên quan đến cạnh tranh thì hiện nay đã có các điều cấm. Trong tổng kết đánh giá của dự thảo Luật, đã có nhiều trường hợp bị xử lý về việc các cơ quan quản lý địa phương đã can thiệp không đúng đối với các vụ việc liên quan đến Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này đã có những điều cấm liên quan đến các hành vi này. Tôi cho rằng, có những điều cần phải cấm và cũng có những điều Nhà nước đang trực tiếp phải xử lý. Do vậy, Luật cần phải bổ sung các quy định khác nữa và phải cân nhắc thật kỹ.

* Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang): Khắc phục bất cập

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Tôi cho rằng Luật Cạnh tranh thời gian qua còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, đối với một thị trường phát triển và hội nhập như hiện nay thì Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được ban hành trong thời điểm này là phù hợp để khắc phục những bất cập, xử lý những hành vi ảnh hưởng đến vấn đề cạnh tranh.

Đối với dự thảo Luật này tôi cho rằng, vấn đề xuyên suốt là các hành vi bị cấm để chúng ta xử lý những trường hợp vi phạm trong vấn đề cạnh tranh. Riêng vấn đề xác định hành vi vi phạm, Ban soạn thảo đã đưa ra những vấn đề về đối tượng gây ra các hành vi vẫn còn chung chung.

Điển hình như vấn đề thoả thuận hạn chế trong cạnh tranh. Đây là hành vi rất phổ biến, nhưng trong Luật lần này đưa những quy định vẫn còn ghi chung chung chưa cụ thể để các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm.

Hoặc là các hành vi cấm trong các trường hợp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường (độc quyền) thì cũng xác định là các hành vi buôn bán hàng hoá dịch vụ dẫn đến hậu quả là loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, Luật chưa quy định cụ thể những nội dung khi xử lý và xác định đúng đối tượng chiếm lĩnh thị trường hay độc quyền. Riêng việc chiếm lĩnh thị trường có quy định là thế nào là chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể, đối với 2 doanh nghiệp chiếm thị phần 50%, 3 doanh nghiệp chiếm 65% và 4 doanh nghiệp chiếm 75%.

Nhưng hiện nay, để các cơ quan xác định được 2 hay 3 doanh nghiệp chiếm bao nhiêu phần trăm (%) thì phải xây dựng cơ sở đồng bộ để cơ quan chức năng tổng hợp công bố số liệu này. Thực tế thì các cơ quan chức năng chưa thực hiện đồng bộ được các dữ liệu này.

Do vậy, tôi cho rằng các quy định, xác định trong Luật này cần phải cụ thể hoá. Đồng thời, kèm theo những quy định đối với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện để có được những xác định tỷ lệ theo nội dung mà Luật ban hành.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này cần phải quy định rõ đối tượng gây ra hành vi ảnh hưởng đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Bởi, dự thảo Luật vẫn còn ghi định tính và chung chung, không bao hàm được hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Liên quan đến bộ máy tổ chức, lần này Chính phủ cũng đưa ra 2 phương án: 1 là cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương; phương án 2 là trực thuộc Chính phủ. Theo tôi, để có được bộ máy mang tính chuyên nghiệp và độc lập, xử lý được các vấn đề thì nên làm theo phương án 2.

Đồng thời, có những quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan cạnh tranh quốc gia đủ điều kiện chuyên nghiệp và mang tính độc lập để xử lý tốt nhất vấn đề cạnh tranh hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục